Tin tức - Sự kiện

5 điểm cần làm tốt và 7 thói quen cần thay đổi trong mùa dịch ngay cả khi đã nới lỏng giãn cách xã hội

Cập nhật: 28/04/2020 09:05:19
(TITC) - 91 ngày “Chống dịch như chống giặc” đã đi qua, Việt Nam đã thành công nhờ các chiến lược và các quyết sách thích hợp của Chính phủ. Tuy nhiên, những nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn chưa qua nên vẫn cần có các biện pháp phòng tránh.

 

91 ngày trong đó có 22 ngày giãn cách xã hội, cả đất nước đồng lòng nghiêm túc thực thi các chỉ thị 15,16/CT-TTg của Chính phủ. Nhờ những nỗ lực của cả xã hội, đặc biệt là các “chiến sỹ áo trắng” cùng lực lượng quân đội… đã gồng mình trên chiến tuyến chống giặc Covid-19 ‘vô hình’, mà Việt Nam chúng ta đến hôm nay 25/4 chỉ có 270 ca mắc, còn 50 ca tiếp tục chữa trị và chưa có ai phải nằm xuống ra đi vì Covid-19.

Thật tự hào khi Việt Nam là đất nước có tiềm lực tài chính và cả cơ sở vật chất  y tế hạn chế so với bạn bè năm châu nhưng lại được nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc… ca ngợi, tìm hiểu về sách lược chống dịch và học hỏi như: truyền thông Nga đề cao mô hình chống dịch của Chính phủ; Báo Mỹ đưa tin người Việt Nam ủng hộ các quyết sách kịp thời của chính phủ; truyền thông Đức viết Việt Nam là điểm sáng trong cuộc chiến chống dịch Covid-2019…

Ngày 23/4/2020, toàn dân, vui mừng phấn khởi vì Chính phủ đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để từng bước khôi phục lại SXKD, đưa nhịp sống của người dân trở về trạng thái bình thường với ý thức trách  nhiệm và tinh thần cảnh giác cao đề phòng bệnh dịch tái phát.

Nhưng nỗi lo vẫn còn đó, khi cả thế giới với 211 nước và đặc biệt các nước láng giềng vẫn còn phải chống chọi vất vả với dịch bệnh, cảnh báo các ca lây nhiễm tăng, các vùng tái nhiễm bùng phát trở lại, khi mà chưa thể có ngay vắc xin dự phòng cũng như thuốc đặc trị.

Trước tình hình mới vừa từng bước khôi phục lại nhịp sống bình thường vừa chống dịch hiệu quả, Chính phủ xác định mục tiêu mới “Chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn với yêu cầu lớn là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân là quan trọng nhất, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại. Phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.”

Ý thức của mỗi cá nhân, hành vi từng người sẽ tiếp tục góp sức làm nên những thành công  mới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Chúng ta không thể lơi lỏng, tiếp tục thực hiện phòng chống trong mùa dịch ngay cả khi đã nới lỏng giãn cách xã hội.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm sau để phòng chống Covid-19:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân 7 thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19:

1. Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay.

2. Trước hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

3. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa.

4. Trước ăn xong đánh răng là đủ, nay thêm súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác.

6. Trước ốm đau đến ngay bệnh viện, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn.

7. Cuối cùng, tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng chống dịch.

MH - Diễm Phi

 

Cùng chuyên mục