Độc đáo các làng nghề truyền thống ở Cao Bằng góp phần phát triển du lịch
Làng rèn Phúc Sen
Nằm bên Quốc lộ 3 đi cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, cách thành phố Cao Bằng 30km về phía Đông Bắc, nghề rèn ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên đã có từ cách đây khoảng 500 năm. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng An. Làng có khoảng 400 hộ dân thì một nửa trong số này làm nghề rèn. Sản phẩm rèn của Phúc Sen chủ yếu phục vụ sản xuất và một phần để trao đổi hàng hóa thiết yếu khác, nhưng vì chất lượng sản phẩm tốt nên danh tiếng làng nghề dần lan xa, người dân nhiều vùng lân cận đã đến đặt hàng.
Để có được một con dao hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Trong đó, hai quá trình tôi thép và ram thép mới là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng. Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, nâng cao độ bền cho dao. Điều đặc biệt chính là nước để tôi dao ở đây bao gồm rất nhiều thành phần và đó chính là bí quyết thành công của làng nghề nơi đây. Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào mầu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.
Đến với Phúc Sen, ngoài việc tham quan những hộ gia đình làm rèn, du khách còn có cơ hội trải nghiệm du lịch cộng đồng bản Pác Rằng, nơi có mỏ nước không bao giờ cạn và cánh rừng nguyên sinh tạo cảnh quan sinh thái thanh bình. Nơi đây, các hộ dân tộc Nùng vẫn bảo tồn được kiến trúc văn hóa đặc sắc thể hiện trên những bộ trang phục vải chàm do bàn tay khéo léo của người phụ nữ dệt, trong văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực…
Làng hương Phia Thắp
Nằm ở khu vực chân núi Phà Hùng, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, làng Phia Thắp có nghề làm hương truyền thống. Đây cũng là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Nùng.
Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi là cây mai (tiếng Tày là “mạy mười”) đế làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau. Chân hương được làm từ tre mạy mười có dóng dài hoặc cây mai.
Để có được cây hương, người Nùng An phải qua nhiều công đoạn. Cây mai vừa thẳng, vừa dẻo lại dễ bắt lửa được cắt thành từng khúc dài khoảng 40cm. Việc chẻ mai được làm thủ công bằng tay, sao cho que hương được vót nhỏ và tròn đều. Lá cây bầu hắt mọc tự nhiên bên những vách đá được bà con thu hái về, phơi khô, tán nhỏ và dùng làm chất keo kết dính tự nhiên. Đem lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo xát nhỏ, trộn với mùn cưa. Nhúng que mai vào nước pha với bột lá cây bầu hắt để tạo chất kết dính, sau đó tẩm 4 lần hỗn hợp bột lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo, mùn cưa để có được que hương. Không được dùng quá nhiều chất kết dính, cây hương sau khi được nhúng keo thì đem lăn qua lớp bột mùn cưa trộn trầm vừa đủ 4 lần, và phải nhanh tay lắc để bột vừa bám dính, vừa bảo đảm độ tròn đều. Hương của người Nùng An không sấy bằng lò, mà được phơi tự nhiên. Góc sân, bờ tường, góc ruộng đều được tận dụng để phơi hương. Nắng lên, làng hương Phia Thắp đâu đâu cũng có những bó hương xoe tròn được phơi khắp sân nhà... Sau khi phơi khô, chân hương thành phẩm được nhuộm màu đỏ, bó thành từng bó 20 cây. Mọi người đều có thể tham gia sản xuất và mang hương đi bán vào những ngày chợ phiên hoặc phục vụ du khách tham quan tại các điểm đến tâm linh.
Làm hương không chỉ đem lại thu nhập cho người dân làng Phia Thắp, nó còn góp phần bảo tồn một nghề truyền thống của người Nùng An - một nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc ở vùng công viên địa chất Non Nước Cao Bằng. Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống của người dân, đồng thời trải nghiệm làm hương.
Nghề thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền
Người Dao ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có nghề thêu thổ cẩm. Theo phong tục từ xưa, các cô gái dân tộc Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình.
Nghệ thuật thêu hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm là sự kỳ công và nghệ thuật cao. Trước tiên, dệt thổ cẩm, sợi bông được nấu lên, cho thêm chút gạo để sợi bông cứng không đứt, sau đó vắt khô đem phơi rồi cho vào khung để dệt thành vải. Nguyên liệu chính để dệt vải thổ cẩm là sợi cây đay, lanh, cây chàm do người dân tự trồng. Sau khi thu hoạch cây đay, lanh bà con tuốt lấy vỏ và se sợi, dệt vải. Đối với vải chàm được dùng để may quần áo, vải dệt xong đem nhuộm chàm khá phức tạp với nhiều công đoạn. Cắt cây chàm về ngâm nước lọc lấy nước cô đặc thành cao rồi đun với lá ngải, cho thêm nước tro và rượu vào hòa lẫn nhau. Trước khi nhuộm vải, cần ngâm vải vào nước lã rồi mới ngâm tiếp vào nước chàm, vải được ngâm trong nước chàm khoảng 30 phút rồi vắt bớt nước đem phơi nắng, làm như vậy nhiều lần khi nào lên màu vải ưng ý mới thôi. Vải để may trang phục và các đồ dùng tiện ích khác; thêu nghệ thuật sáp ong lên vải chàm trang trí viền áo, váy tôn lên nét đẹp độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao.
Quy trình in sáp ong rất khắt khe. Nguyên liệu thêu là sáp ong. Lấy sáp ong từ những tổ mật ong rừng đem về, sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Sau đó tiếp tục đun phần nước trong cho đến khi nước cô đặc lại thì đổ ra để nguội khoảng 2 - 3 ngày sẽ tạo thành một khối sáp mịn. Sáp ong khi đun nóng để in hoa văn trên vải phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt. Chuẩn bị dụng cụ để in bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác từ 5 - 10 chiếc, rộng từ 1 - 5 cm để tạo nên các hoa văn với nhiều kích thước khác nhau. Đặt phần vải màu trắng cần in hoa văn lên trên mặt phẳng như phiến đá, mặt bàn... rồi dùng đá mài vải cho nhẵn, mịn. Lấy một phần sáp ong trong khối sáp được đun đông từ trước đem đun nóng và lọc lại cho thật sạch không bị lẫn tạp chất, đặt sáp ong lên than hoa để lửa nhỏ đủ độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn. Dùng dụng cụ bằng tre nhúng vào sáp ong vẽ hoa văn theo chủ định lên vải. Việc in ấn làm liên tục khi nào hết khổ vải. Để có được những tấm vải in sáp ong đẹp, sau khi in sáp ong lên vải chờ sáp ong khô thì phải đem nhuộm chàm rồi phơi. Tiếp đến nhúng tấm vải chàm vào nước sôi để sáp ong tan ra thì các hoa văn đã in mới hiện ra rõ nét trên nền chàm.
Sản phẩm thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong được dùng chủ yếu để may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình như chăn, gối, địu… Tuy cùng là tấm vải in sáp ong nhưng do làm hoàn toàn thủ công nên mỗi tấm vải sẽ có sự khác nhau, không tấm nào giống tấm nào. Những bộ trang phục truyền thống của người Dao Tiền là các tác phẩm nghệ thuật kết hợp của sự tỉ mẩn, khéo léo, sáng tạo mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Thu Thủy (tổng hợp)