Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 tăng mạnh, đạt kỷ lục gần 2 triệu lượt
Khách quốc tế đến Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Nhìn chung, động lực chính của tăng trưởng đến từ các thị trường Đông Bắc Á tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2019, tiếp tục tăng cao đến rất cao; các thị trường Đông Nam Á đều tăng, trong đó Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia và Lào tăng rất cao; (3) Hai thị trường lớn Mỹ và Nga tăng cao; Ấn Độ tăng ấn tượng; Úc tăng trở lại.
Đáng lưu ý, so sánh với cả năm 2019, trong tháng 1/2020, Mỹ từ thứ 5 lên thứ 3 trong các thị trường; Nga từ thứ 6 lên thứ 5; Thái Lan vượt Ma‐lai‐xi‐a, xếp thứ 7, trở thành thị trường đứng đầu Đông Nam Á; Cam‐pu‐chia thay Anh ở vị trí thứ 10.
Đông Bắc Á tiếp tục là động lực tăng trưởng chính
Khách từ các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng tốt, chiếm 64% tổng lượng khách tháng 1/2020.
Trong đó, Trung Quốc tăng trưởng 72,6%, đạt 645 nghìn lượt, chiếm 32,3% tổng lượng khách. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, là kết quả của những giải pháp tăng cường thu hút khách Trung Quốc thời gian qua và tiếp nối đà tăng trưởng những tháng cuối năm 2019.
Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng ấn tượng (+20,4%), đạt 468 nghìn lượt, chiếm 23,5% tổng lượng khách. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, luôn duy trì mức tăng tốt trong những năm gần đây.
Nhật Bản tăng 11,4%, đạt 89 nghìn lượt. Mức tăng này cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Ngay từ đầu năm 2020, Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác với việc tổ chức Hội thảo xúc tiến du lịch Việt Nam - Nhật Bản tại Đà Nẵng; ký kết hợp tác quảng bá du lịch giữa Tổng cục Du lịch và tỉnh Hokkaido, Nhật Bản.
Đài Loan tiếp tục tăng cao (+19,3%), đạt 76 nghìn lượt. Mức tăng này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn ở mức cao trong giai đoạn 2016-2020.
Biểu đồ: Số lượng và tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam từ các thị trường hàng đầu, tháng 1/2020
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu Tổng cục thống kê
Tất cả các thị trường Đông Nam Á đều tăng
Thái Lan tiếp tục tăng rất cao (+40,1%), sau khi đã tăng kỷ lục 45,9% trong năm 2019. Số khách đạt 63 nghìn lượt, cao hơn tất cả các tháng năm 2019, cao nhất trong Đông Nam Á, vượt qua Ma-lai-xi-a để đứng thứ 7 trong các thị trường nguồn dẫn đầu. Kết quả này cho thấy Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng của khách Thái Lan.
Đặc biệt, Cam-pu-chia tăng đột biến (+329,9%), xếp thứ 3 trong Đông Nam Á về lượng khách. Lào tăng rất cao (+42,5%). In-đô-nê-xi-a tiếp tục duy trì tăng cao (+26,1%), tuy nhiên số lượng còn ít, đây là thị trường lớn nên còn nhiều dư địa phát triển.
Các thị trường quan trọng khác: Ma-lai-xi-a (+5,5%), Phi-líp-pin (+4,2%), mức tăng thấp hơn so với năm 2019. Xin-ga-po duy trì tăng trưởng 6,8%.
Mỹ, Nga, Ấn Độ tăng cao
Đối với các thị trường quan trọng khác, Mỹ tăng 19,7% và Nga tăng 16,1%. Đặc biệt, thị trường Ấn Độ tăng 74,3% đạt gần 25 nghìn lượt so với 14,3 nghìn lượt cùng kỳ 2019. Năm 2019, khách Ấn Độ cũng đã tăng trưởng 27,7%.
Các thị trường quan trọng khác ở châu Âu duy trì tăng trưởng: Đức (+9,6%), Anh (+8,7%), Pháp (+5,3%). Úc tăng 7,1%.
Các yếu tố cơ bản dẫn đến tăng trưởng
Việc ngành du lịch đón lượng khách kỷ lục trong tháng 1/2020 là kết quả của các giải pháp tăng cường thu hút khách trong năm 2019 tiếp tục phát huy hiệu quả. Đồng thời, thương hiệu Du lịch Việt Nam ngày càng hấp dẫn, thu hút sự chú ý của khách quốc tế sau khi đã đạt những giải thưởng rất uy tín trong năm 2019. Các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, thời điểm đầu năm thường thu hút nhiều khách quốc tế đến du lịch, trải nghiệm Tết âm lịch ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ngành du lịch đối mặt với sụt giảm khách do ảnh hưởng của dịch bệnh nCov
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 1/2020, đã lan ra hầu hết các tỉnh/thành phố của Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều nước đã áp dụng biện pháp hạn chế đi lại tới vùng dịch và đón khách từ vùng dịch.
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã liên tiếp ban hành 3 công văn vào các ngày 23, 26 và 28/1 gửi các Sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể để kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chắc chắn lượng khách quốc tế đến Việt Nam, nhất là khách từ Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh trong thời gian tới. Ngày 31/1/2020, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Tổng cục Du lịch khẩn trương xây dựng các kịch bản để ứng phó với các tình huống, diễn biến của dịch bệnh xảy ra theo từng cấp độ khác nhau. Đồng thời, chủ động lên kế hoạch cho các giải pháp phục hồi hoạt động của ngành du lịch sau khi dịch bệnh đi qua, khắc phục thiệt hại trong ngành do dịch bệnh gây nên.
Truyền Phương