Nghề dệt thổ cẩm – Nơi gửi gắm tâm tình của người Dao Tiền
Truyền thống nghề dệt thổ cẩm
Từ bao đời nay, phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở xã Hoa Thám huyện Nguyên Bình luôn gìn giữ và phát triển nghề thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong truyền thống. Theo phong tục từ xưa, các cô gái dân tộc Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình.
Thêu, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người Dao Tiền ở Cao Bằng (Ảnh minh họa: Báo Cao Bằng)
Các sản phẩm thêu thổ cẩm của bà con nơi đây với những hoa văn đẹp, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Dao. Chẳng hạn các hình ngôi sao nhiều cánh tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên, vũ trụ. Hoa văn hình tổ tiên như hình con chó đơn, hình chó đôi để nhắc nhở con cháu hãy luôn nhớ và kính trọng tổ tiên của mình. Hoa văn hình hoa tám cánh hay còn gọi là hoa mào gà xuất hiện trên khăn đội đầu và vạt áo của phụ nữ Dao Tiền để cầu mong sự may mắn. Ngoài ra, còn có các loại hoa văn cỏ cây, hoa lá, con vật… gắn với cuộc sống thường ngày của người Dao.
Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thêu thổ cẩm là sợi cây đay, lanh có sẵn tại địa phương. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, bằng chính đôi tay khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ. Để có sản phẩm thêu thổ cẩm phải trải qua các công đoạn chính, gồm: Trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải, nhuộm vải rồi thêu. Sản phẩm thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong được dùng chủ yếu để may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình như chăn, địu, tấm trải gối, trải giường...
Đến nay, thổ cẩm còn được làm thành đồ trang trí nội thất, những chiếc túi xách hay những món quà lưu niệm nhỏ xinh xắn. Với tiềm năng phát triển du lịch ở Cao Bằng, nghề thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao Tiền ở Hoa Thám có cơ hội phát triển, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường rộng lớn hơn cho sản phẩm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Vải sau khi nhuộm được phơi nắng (Ảnh minh họa: Báo Cao Bằng)
Gìn giữ và phát huy nghề dệt truyền thống
Để gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Dao Tiền, năm 2012, Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng (DECEN) phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đại An (Thành phố) thành lập Tổ sản xuất thêu thổ cẩm dân tộc Dao ở xóm Nà Chắn - Thang Coỏng, xã Hoa Thám gồm 17 thành viên. Tổ được hỗ trợ 20 triệu đồng mua vải, đay, chỉ thêu...; hỗ trợ 50% kinh phí mua 4 máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 bàn là; được tập huấn cách thêu, cách xây dựng kế hoạch...
Từ những tấm vải thổ cẩm truyền thống chủ yếu dùng để phục vụ sinh hoạt, sản phẩm của chị em phụ nữ ở đây trở thành hàng hóa được quảng bá rộng rãi tới các vùng, miền và du khách nước ngoài. Hằng năm, vào trung tuần tháng 11, Tổ sản xuất thêu thổ cẩm cử 1, 2 thành viên cùng Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng mang sản phẩm đi quảng bá tại Hội chợ Thương mại, triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...
Trang phục thổ cẩm là nét đẹp truyền thống của phụ nữ Dao Tiền (Ảnh minh họa: Báo Cao Bằng)
Từ năm 2012 đến nay, Tổ sản xuất đã thêu hơn 500 sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá từ 15 nghìn-10 triệu đồng. Ngoài cung cấp cho một số cửa hàng bán sản phẩm thổ cẩm tại TP. Cao Bằng và Thủ đô Hà Nội, hằng năm, cứ đến ngày 11/11, Tổ cử 1 hoặc 2 người đi cùng với Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng mang sản phẩm đi bán tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... được Trung tâm Phát triển Cộng đồng hỗ trợ tiền xe, thuê quầy hàng để chào bán sản phẩm.
Từ việc bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc, chị em phụ nữ Dao ở Hoa Thám đã có thu nhập bình quân từ 1 triệu-1,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Trung tâm Phát triển Cộng đồng đang tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Tổ sản xuất thêu thổ cẩm xây dựng thương hiệu, tìm thị trường rộng lớn cho sản phẩm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và nâng cao thu nhập cho bà con.
Trước thực trạng trên, việc bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao Tiền trên địa bàn xã Hoa Thám là vấn đề được các cấp chính quyền quan tâm. Theo đó, nhiều giải pháp được đưa ra để đồng bào Dao Tiền sống được với nghề, yên tâm bám nghề.
Sản phẩm thêu thổ cẩm của người Dao Tiền xã Hoa Thám trưng bày tại "Ngày hội thổ cẩm Cao Bằng tại Thành phố Hồ Chí Minh" (Ảnh minh họa: Báo Cao Bằng)
Chủ tịch UBND xã Hoa Thám Hoàng Tòn Sao cho biết: Xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, nòng cốt là Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động bà con trong các xóm khôi phục nghề dệt truyền thống. Để bà con có vốn sản xuất, xã chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền huyện và huy động các nguồn lực để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vay vốn mua nguyên liệu đầu tư, khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Năm 2017, UBND xã quyết định thành lập Xưởng thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn, giới thiệu các sản phẩm đến người tiêu dùng.
Việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong thời gian gần đây đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng, ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết với nghề, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hiện, huyện tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng để tạo sự đột phá và nâng cao mức sống cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Nông Quốc Hùng, để phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao Tiền, huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền đến các xóm, xã còn lưu giữ những nét văn hóa thêu thổ cẩm thành lập các tổ, nhóm sở thích. Xưởng thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn được thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả đã và đang góp phần “hồi sinh” nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo thêm thu nhập cho đồng bào. |
Khánh Trang