Responsive image

NHÂN LỰC DU LỊCH

Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao là xu hướng phù hợp

Cập nhật: 13/01/2021 12:27:19
Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo “Các xu hướng đào tạo và nghiên cứu du lịch ở Việt Nam và trên thế giới”. Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập khoa Du lịch học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội (1995-2020). Hội thảo đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của các nhà quản lý, các cơ sở đào tạo, các chuyên gia nghiên cứu về du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước...

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, Du lịch là một trong những trụ cột chính của thương mại quốc tế; là nguồn thu nhập quan trọng đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển Du lịch trong bối cảnh hiện nay bị tác động rất lớn bởi quá trình hội nhập hóa, toàn cầu hóa mà điển hình gần đây nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch toàn cầu và du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0 cũng ảnh hưởng đáng kể đến phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, các trào lưu, xu hướng phát triển du lịch cũng như cách tiếp cận và phương thức nghiên cứu du lịch, đặc biệt là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực… Trước những tác động này, ngành Du lịch cũng cần phải có điều chỉnh kịp thời, phù hợp với bối cảnh hiện tại. Nội dung Hội thảo đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần định vị lại công tác giáo dục nguồn nhân lực du lịch cùng những xu hướng phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới. “Tổng cục Du lịch cam kết sẽ phối hợp, hỗ trợ đồng hành cùng Khoa Du lịch học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, các cơ sở đào tạo nhân lực ngành Du lịch trong cả nước trong quá trình nghiên cứu đề xuất, tìm ra những giải pháp để phát triển Du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Xoay quanh xu hướng đào tạo du lịch ở Việt Nam và trên thế giới, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nhấn mạnh, cần phải có chiến lược phân cấp đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch. Lý giải điều này, ông Hiếu cho rằng “Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng vẫn chưa khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh như mong muốn. Những hạn chế, bất cập có nhiều nguyên nhân, song chính yếu vẫn là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn một khoảng cách khá xa so với tiêu chí đặt ra. Đây chính là thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển du lịch hiện nay”. Cũng theo ông Hiếu, một trong 7 giải pháp trọng tâm, 3 giải pháp đột phá của Tp. Hà Nội giai đoạn 2025 – 2030 là phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Đối với Hà Nội, bên cạnh việc đảm bảo số lượng nguồn nhân lực, cần đáp ứng yêu cầu về chất lượng (cả kiến thức, thái độ nghề nghiệp phù hợp, kỹ năng quản lý điều hành, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ) và hợp lý về cơ cấu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu, rộng, dưới tác động toàn diện, đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

TS. Nguyễn Văn Lưu cho rằng, chất lượng công việc sẽ phụ thuộc vào yếu tố thích ứng của người lao động. Nếu không muốn bị đào thải thì người lao động cần phải thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao kỹ năng nghề cho bản thân. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo cần phải nghiên cứu phương pháp, loại hình giáo dục nghề nghiệp du lịch sao cho phù hợp. Ngoài những kỹ năng chuyên sâu, kỹ năng mềm, người lao động trong bối cảnh hiện nay mà không biết tin học, ngoại ngữ thì cũng coi như “mù chữ”.

Đề xuất xu hướng đào tạo nhân lực ngành Du lịch thời gian tới, TS. Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ, “giáo trình đào tạo du lịch của các trường hiện nay vẫn chưa cập nhật theo công nghệ 4.0, chưa có sự khác biệt giữa các trường. Để theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, các cơ sở đào tạo cần cập nhật lại giáo trình. Đặc biệt, giáo trình của từng trường phải có sự khác biệt, thể hiện đẳng cấp riêng, thế mạnh riêng. Cần phải phân cấp rõ về thế mạnh và chất lượng đào tạo, trường nào mạnh về lĩnh vực nào thì đẩy mạnh đào tạo về lĩnh vực đó”. Lý giải cho đề xuất này, TS. Đảm dẫn chứng, Trường Kinh tế Quốc dân có thế mạnh về quản trị kinh tế thì tập trung đào tạo nhân lực ngành Du lịch giỏi về quản trị. Các trường khác cũng định vị lại thế mạnh của mình để đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu… “Muốn có nguồn nhân lực giỏi, chất lượng cao thì ngay từ khâu tuyển sinh phải làm tốt, chặt chẽ. Trong quá trình đào tạo, nếu không đạt các tiêu chí chuẩn đề ra sẽ không được học chuyên ngành…” , TS. Đảm bày tỏ.

Bên cạnh xu hướng đào tạo, tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về các xu hướng nghiên cứu du lịch ở Việt Nam và trên thế giới. Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải nhìn từ lịch sử để có những đánh giá chính xác, xu hướng phù hợp trong nghiên cứu phát triển du lịch. Trong đó, phát triển du lịch xanh, bền vững cũng được các chuyên gia du lịch phân tích, đánh giá sôi nổi tại Hội thảo.

Nguồn: Báo Du lịch