Responsive image

NHÂN LỰC DU LỊCH

Văn hóa gắn với du lịch – mối quan hệ trong việc đào tạo nhân lực

Cập nhật: 13/01/2021 12:32:07
Bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục... du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế.

Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng... để tạo sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ.

Du lịch văn hóa rất phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển bền vững của Việt Nam. Khi xác định hướng đi “văn hóa gắn với du lịch”, người làm du lịch phải có một trình độ nhất định, được đào tạo bài bản về văn hóa nghệ thuật, để có thể tạo được những hiệu ứng từ các hoạt động biểu diễn, lưu lại được những giá trị và ấn tượng văn hóa trong lòng du khách, chứ không chỉ khai thác ánh sáng, âm thanh, mầu sắc đơn thuần...

Như là một biểu thị của nhu cầu mang “tính người”, du lịch dưới bất cứ hình thức nào cũng hướng tới việc tiếp xúc, giao lưu, học hỏi và mở mang về văn hóa. Trong bối cảnh ngành du lịch ở Việt Nam đang trên đà phát triển, song vẫn tồn tại một số bất cập, thì lĩnh vực này cũng cần được xem xét từ góc nhìn  văn hóa. Khi xác định du lịch như hành vi thỏa mãn văn hóa, cũng tức là cần xác lập các tiêu chí để làm nên một “văn hóa du lịch”. Thiết nghĩ, văn hóa du lịch được thể hiện trên hai phương diện: một là văn hóa của du lịch và hành vi văn hóa của người làm du lịch. Văn hóa của du lịch là dấu ấn riêng, độc đáo, tạo nên bản sắc của văn hóa mỗi cộng đồng. Ðó là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn đối với du khách.

Mối quan hệ văn hóa và du lịch ?

Trong những năm gần đây có một vài nhận xét cho rằng, văn hóa và du lịch đã có sự gắn kết, tuy nhiên đó mới chỉ là mang tính tự phát, nên chưa thực sự phát huy hiệu quả. Du lịch và văn hóa cần nhìn về một hướng. Nguyên nhân của hiện trạng này thuộc về cả hai phía. Mặc dù có nhiều lễ hội hoành tráng được tổ chức, tuy nhiên những chương trình biểu diễn đó chưa trở thành sản phẩm du lịch được kết nối với các công ty lữ hành để bán cho khách du lịch. Rất nhiều lễ hội được các địa phương tổ chức chỉ mang tính phong trào, theo kế hoạch, đơn điệu về nội dung, kịch bản “rất” truyền thống, bó hẹp trong phạm vi phục vụ mục đích cộng đồng là chủ yếu. Hơn ai hết, các công ty lữ hành hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch nhưng chưa thực sự nhập cuộc, không chủ động giới thiệu với khách những sản phẩm văn hóa của địa phương, của dân tộc. Một lý do nữa là kinh phí và nhân lực của các hoạt động biểu diễn đa phần được hoạch định theo tư duy “thực hiện nhiệm vụ” làm chương trình nghệ thuật chứ không mang mầu sắc thực sự là sản phẩm du lịch. Điều này gây ra nhiều trở ngại cho các công ty du lịch chuyên nghiệp có nhu cầu đồng hành cùng hợp tác.

Nói mối quan hệ văn hóa và du lịch, người ta thường nghĩ đến những lễ hội. Những lễ hội cũng là một phần quan trọng của đời sống văn hóa, có hàm chứa yếu tố nghệ thuật. Nhưng không phải cứ có biểu diễn nghệ thuật là trở thành lễ hội, mặt khác những lễ hội được tổ chức phần nào sơ sài, dàn trải bốn mùa trong năm, ở hầu như tất cả các địa phương trên cả nước, đã bắt đầu cho thấy sự nhàm chán và lặp lại nhau, chưa nói đến sự phản cảm khi khâu tổ chức  làm sơ sài, đơn điệu. Phần lớn các chương trình khai trương lễ hội du lịch hiện nay mang tính chất “sân khấu hóa” và có xu hướng lễ hội hóa ở tất cả các địa phương có một kịch bản gồm những chương/hồi “na ná” giống nhau... Ở một góc nhìn khác, tình trạng mô phỏng, manh mún, thiếu sáng tạo trong xây dựng văn hóa của du lịch còn được bổ sung bởi hành vi thiếu “tính văn hóa” của một số người làm du lịch, trong một số trường hợp họ đã làm thất vọng du khách. Thái độ thiếu niềm nở, hay miễn cưỡng niềm nở khi đón tiếp du khách là hình ảnh còn gặp mỗi khi tới các điểm du lịch.

Thổi hồn văn hóa vào du lịch...

Phần lớn hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương - nơi lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa và cũng là nơi tồn tại đói nghèo. Khách du lịch ở các nước phát triển thường lựa chọn những lễ hội của các nước để tổ chức những chuyến du lịch nước ngoài. Bởi thế, thu hút khách du lịch tham gia du lịch văn hóa tức là tạo ra dòng chảy mới và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.

Ở những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nền tảng phát triển phần lớn không dựa vào những đầu tư lớn để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền, mà thường dựa vào nguồn du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc dân tộc. Những nguồn lợi này không tạo ra giá trị lớn cho ngành du lịch, nhưng lại đóng góp đáng kể cho sự phát triển của cộng đồng xã hội. Những quốc gia phát triển mạnh du lịch văn hóa là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, và một số nước thuộc khu vực Nam Mỹ...

Hầu hết các quốc gia thường khai thác các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, thể thao, giải trí... để phát triển du lịch. Sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa nghệ thuật và du lịch đã làm cho những sự kiện văn hóa, nghệ thuật trở thành một thương hiệu của một lễ hội vượt ra khỏi tầm địa phương, quốc gia mà còn là mang một giá trị của thế giới.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức rất thành công những sự kiện lớn mang tính chất lễ hội gây được sự chú ý đến các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Có thể kể đến như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival lúa gạo Hậu Giang, Lễ hội trái cây Nam Bộ... Những lễ hội trên đã trở thành “hiệu ứng văn hóa” không chỉ còn của địa phương mà là sự hòa quyện, giao thoa của văn hóa Việt Nam với các đoàn nghệ thuật trên thế giới cùng tham gia để lại trong lòng du khách quốc tế.

Việt Nam, ngoài những tiềm năng du lịch đã được khai thác như cảnh quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng, ẩm thực, chữa bệnh... còn một tiềm năng ở tầm sâu hơn, nhưng hứa hẹn một khả năng phát triển phong phú bội phần, đó là tiềm năng văn hóa nghệ thuật. Gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của người Việt, với non nước hữu tình của dân tộc Việt, những hình thái nghệ thuật đã trở thành một phần không thể thiếu, có thể xem như linh hồn của người Việt. Nhưng bao nhiêu năm qua, chúng ta chỉ quan tâm khai thác du lịch bằng cái thế giới bên ngoài, cái thế giới vật chất hữu hình, với những ưu đãi của thiên nhiên, mà ít quan tâm đến việc giới thiệu đời sống tinh thần của dân tộc. Nếu những giá trị ấy được giới thiệu một cách chiến lược, có phong cách, có định hướng thì du lịch Việt Nam mới có thể có được cái bản sắc độc đáo riêng, không hề lặp lại bất kỳ ai khác trong thế giới du lịch đang ngày một phát triển phong phú và đa dạng hiện nay. Hãy làm khơi dậy và khai thác những di tích lịch sử, những truyền thuyết, những giá trị văn hóa nghệ thuật trở thành những sản phẩm du lịch, chương trình du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Thay cho lời kết

Muốn gắn kết tốt hai lĩnh vực văn hóa và du lịch đòi hỏi những người làm du lịch phải được đào tạo trong một môi trường có sự gắn bó hữu cơ của văn hóa nghệ thuật, hiểu và cảm nhận được một cách sâu sắc những giá trị phi vật thể của nghệ thuật, nhận thức được sự khác nhau giữa việc tổ chức các sinh hoạt nghệ thuật với việc tổ chức biểu diễn đơn thuần, đi đến gắn nghệ thuật với du lịch theo tinh thần nâng hoạt động thưởng thức nghệ thuật lên một đẳng cấp văn hóa khác.

Việc tạo ra môi trường học tập trong suốt quá trình đào tạo đối với các sinh viên cả hai ngành du lịch và nghệ thuật, là một điều kiện để các nghệ sĩ tương lai và những người làm du lịch cùng nhìn nhận sự gắn kết và trưởng thành. Đây là một trong những vấn đề đặt ra đối với các trường văn hóa nghệ thuật và du lịch trong bối cảnh hiện nay. Các trường cần xây dựng chương trình đào tạo có sự đan xen, mềm dẻo các học phần mang tính đặc thù nghề nghiệp, đồng thời có sự tích hợp những môn học có liên quan đến các kiến thức bổ trợ để mỗi sinh viên khi theo học một chương trình đào tạo ngành nghệ thuật vẫn có những hiểu biết đối với ngành du lịch và ngược lại. Sự thành công trong việc phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật đề trở thành sản phẩm phải bắt nguồn từ chính những cơ sở đào tạo - nơi tạo ra nguồn nhân lực. Ở đó họ hiểu được sự gắn kết hữu cơ, sự tồn tại của hoạt động này có ảnh hưởng và tác động đến sự phát triển của hoạt động kia.

Song song với việc xây dựng chương trình đào tạo giao thoa, các trường cần có những hoạt động ngoại khóa, các chương trình liên kết mà ở đó trong mỗi sự kiện đều có sự tham gia của các sinh viên của ngành nghệ thuật cũng như ngành du lịch cùng thực hiện. Việc tiếp cận khai thác các giá trị nghệ thuật trong lĩnh vực du lịch là hướng đi tất yếu của các trường văn hóa nghệ thuật và du lịch trong tương lai. Việc biến các chương trình biểu diễn thành sản phẩm du lịch là quá trình tái đầu tư đối với văn hóa nghệ thuật.

Nâng cao ý nghĩa văn hóa của du lịch thật sự đang là một trong các yêu cầu cần thiết để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, có chiều sâu và văn minh. Ðáp ứng nhu cầu văn hóa bằng các giá trị thông qua các hoạt động mang “tính văn hóa” - đó là logic tất yếu của mọi quá trình vận động liên quan tới con người. Thiết nghĩ, đối với sự phát triển của du lịch, việc kết hợp một cách hài hòa giữa du lịch văn hóa và văn hóa du lịch cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, không chỉ đối với người làm du lịch, người làm văn hóa nghệ thuật mà đối với cả cộng đồng xã hội./.

Nguồn: TS. Đoàn Mạnh Cương, Văn phòng Quốc hội