Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: Thôn Trung Hà, Xã Cẩm Kim, Thành phố Hội An, Quảng Nam Điện thoại cố định: 0235 02353 934 282
Làng nghề mộc Kim Bồng, Cẩm Kim. Nằm ở rẻo đất bên dòng sông Thu Bồn thuộc thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là làng mộc Kim Bồng.
Sản phẩm mộc Kim Bồng vang danh xứ Đàng Trong từ thế kỷ 15-16 thông qua thương cảng Hội An sầm uất. Thợ mộc Kim Bồng nổi tiếng khéo tay và sáng tạo. Rồi làng mộc ly tán vì chiến tranh. Phải đến những năm 90, “thương hiệu” Kim Bồng lại được nhắc đến và trờ về giá trị tinh thần của họ.
Làng mộc Kim Bồng thuộc xã đảo Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Để đến làng, du khách có thể đi bằng thuyền du lịch hoặc thuyền ngang tầm 10 phút từ bến đò Hội An.
Làng nghề được sáng lập từ thế kỷ 15 do ông tổ là người xứ Bắc (Thanh Hóa !?) di cư vào Nam dừng chân tại đất Kim Bồng, tức tại Cẩm Kim – Hội An ngày nay. Đi cùng ông có nhiều dòng tộc như: Phan, Trương, Huỳnh, Nguyễn, Đỗ...
Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm nghề: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc.
Khá thú vị địa danh và nghề mộc Kim Bồng đã được Lê Quý Đôn đề cập trong “Phủ Biên Tạp Lục”, viết vào thế kỷ 18. Những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đã trở thành vốn quý của triều đình nhà Nguyễn trong quá trình kiến thiết cung đình và mở mang các vùng dân cư. Nhiều đình chùa, miếu mạo, nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị ở khắp các vùng quê của khúc ruột miền Trung đã in dấu bàn tay tài hoa trên thớ gỗ của những người thợ đến từ làng quê Kim Bồng. Trong số đó, nhiều người đã được ban tước Cửu Phẩm, Bát Phẩm, đội trưởng mộc tượng... Các công trình kiến trúc điêu khắc dinh thự ở Huế... là do các nghệ nhân mộc Kim Bồng làm nên. Riêng với đô thị cổ Hội An, dấu ấn mộc Kim Bồng còn thể hiện rõ nét trên các ngôi nhà cổ, chùa, hội quán, nhà thờ tộc ở Hội An với những đường nét chạm trổ tinh vi, đẹp mắt, trở thành di sản văn hoá của nhân loại.
Kỹ thuật và kỹ năng chế tác của thợ làng Kim Bồng xưa kia được thể hiện qua hàng vạn công trình nhà cửa và kiến trúc khắp cả nước. Tại đô thị cổ Hội An, các công trình hội quán, chùa chiền, đình làng, nhà thờ, là nơi minh chứng rõ nhất tài nghệ đắp vẽ, trang trí nội ngoại thất. Những chim công múa, Lý Ngư Vọng Nguyệt, các Đức Thánh, các linh vật Long-Lân-Quy-Phụng đều do thợ Kim Bồng thực hiện. Tại các Hội quán Quảng Triệu, Miếu Quan Công hay tại các đình chùa những điêu khắc Giao Long do thợ Kim Bồng thực hiện hết sức sống động với đầy đủ các chi tiết. Với bàn tay khéo léo và nghệ thuật tài hoa của mình, thợ mộc làng Kim Bồng đã góp phần tạo nên một phố cổ Hội An cổ kính đầy quyến rũ như ngày nay. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi Quảng Nam, các chế tác của Kim Bồng vươn xa ra phạm vi cả nước. Ngày nay, sản phẩm mộc Kim Bồng còn khẳng định giá trị qua các đơn hàng từ nước ngoài.
Nhận định chung cho sản phẩm mộc Kim Bồng là đẹp và hoàn hảo đến mê hoặc. Thợ mộc Kim Bồng ngày nay vẫn giữ được nghề truyền thống và những nét tinh hoa do cha ông truyền lại. Những tác phẩm chạm khắc của họ trên các đầu kèo, trên xiên, trên trính, trên án thư, bàn thờ, và cả bàn ghế, tủ, khay, đều là những kiệt tác mà bất cứ ai được trông thấy cũng phải trầm trồ, xuýt xoa thán phục. Những tượng Quan Công, Di Lặc… và các con vật, vật dụng gắn liền với đời sống dân gian được điêu khắc cực kỳ tinh tế, luôn cuốn hút du khách gần xa.