Tổng số: 1 kết quả
  Địa chỉ: Đường Đoàn Thị Điểm, Phường Phú Hậu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Duyệt Thị Đường là nhà hát cung đình có quy mô bề thế được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng. Được xem là nhà hát cổ nhất Việt Nam, Duyệt Thị Đường không chỉ là nơi tấu nhạc cung đình, mà còn là nơi trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật như tuồng (hát bội), kịch hát, ca Huế. Đây là nơi dành riêng cho vua và các thành viên trong hoàng tộc, các quan đại thần và quốc khách của triều đình đến thưởng thức nghệ thuật.

 

Được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), đến nay Duyệt Thị Đường đã gần hai trăm năm tuổi. Mặc dù sau này có thêm ba nhà hát nữa được xây dựng: nhà hát Tịnh Quan Viên (1843) dưới thời vua Thiệu Trị, nhà hát Minh Khiêm Đường (1865) dưới thời vua Tự Đức, nhà hát Cửu Tư Đài (1917) thời vua Khải Định, Duyệt Thị Đường vẫn được các vị vua nhà Nguyễn kế tiếp bỏ công tu bổ và tôn tạo. Đây không chỉ là sân khấu trình diễn nghệ thuật mà còn là một công trình văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn.

Tọa lạc bên trái Tử Cấm Thành, Duyệt Thị Đường nối với điện Càn Thành bằng một hệ thống hành lang có mái che. Bên phải nhà hát là Sở Thưởng Thiện, là nơi phục vụ các bữa ăn cho nhà vua; bên trái là Ngự y viện, là nơi sắc thuốc chữa bệnh cho nhà vua và hoàng gia. Phía nam Duyệt Thị Đường là Dưỡng Chính Đường - nơi ở và học tập của các hoàng tử.

Duyệt Thị Đường là một tòa nhà hình chữ nhật rộng rãi với bốn gian hai chái, quay mặt về hướng đông. Tổng diện tích công trình lên tới 11,740m2, riêng nhà hát là 1,182m2. Phỏng theo lối nhà trùng thiềm lớn, mái thắt cổ diềm, nhà hát được xây dựng bằng gỗ lim, có hai tầng rộng rãi, lợp ngói thanh lưu ly. Nền nhà lát gạch Bát Tràng vuông màu đỏ tươi. Nơi sàn diễn lát gạch tráng men màu đen, được thiết kế theo dạng sân đình, không có cấp bậc ngăn cách mà được lát phẳng. Trần nhà hát sơn màu xanh lơ, được chạm nổi cảnh mặt trời, trăng sao, các vì tinh tú,... như tái hiện lại một vũ trụ thu nhỏ. Sân khấu có ba mặt: mặt sau là hậu trường, hai mặt hai bên là phòng hóa trang, thay trang phục.

Trải qua thăng trầm, Duyệt Thị Đường gặp phải nhiều biến động. Có thời kỳ Duyệt Thị Đường bị cải tạo để làm trường Quốc gia Âm nhạc Huế (nay là trường Đại học Nghệ thuật Huế), khiến cho nơi này bị thay đổi hẳn từ diện mạo kiến trúc đến vật liệu. Năm 1993 quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Duyệt Thị Đường mới được trùng tu và bảo tồn. Hiện nay, Duyệt Thị Đường là nơi trình diễn Nhã nhạc, ca Huế của Đoàn nghệ thuật cung đình Huế. Sau bao thời gian, nhà hát cổ gần hai trăm tuổi vẫn là nơi gìn giữ âm nhạc truyền thống, mang những giá trị văn hóa Việt Nam tới người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ghé thăm nhà hát Duyệt Thị Đường, ta có thể gặp gỡ một di sản phi vật thể trong lòng một di sản kiến trúc - chính là nhã nhạc cung đình, vang lên trong không gian nghệ thuật của một triều đại huy hoàng.