Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: Xã Thượng Yên Công và phường Phương Đông, Xã Thượng Yên Công, Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh Điện thoại cố định: 0203 02033.854.153
Khu Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử trải dài gần 20 km thuộc địa bàn phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1974, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Núi Yên Tử cao 1.068m so với mực nước biển, là ngọn núi cao nhất của Dãy núi Yên Tử thuộc Cánh cung Đông Triều[1]. Từ xưa, Yên Tử được coi là vùng đất địa linh(đất thiêng), “phúc địa” (đất phúc). Nơi đây có cảnh sắc thiên thiên kỳ vỹ, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa... lâu đời của dân tộc Việt Nam.

- Núi Yên Tử từ xưa có nhiều tên gọi khác nhau, như: Phù Vân Sơn (Núi Mây Nổi), Tượng Sơn (Núi Voi), Yên Sơn (Núi Yên), Bạch Vân Sơn (Núi Mây Trắng), Linh Sơn (Núi Thiêng). Tên gọi “Núi Yên Tử” gắn với truyền thuyết kể lại rằng: Xưa núi này có nhiều loài cây thuốc quý. Có một vị đạo sỹ người phương Bắc tên là An Kỳ Sinh đã tìm đến đây để tu luyện đạo tiên, dựng am trên núi, ngày ngày hái cây thuốc để luyện thần dược trường sinh bất tử, chữa bệnh cứu người. Ông được nhân dân quanh vùng yêu quý, tôn kính, gọi ông là Thầy An (nghĩa chữ Hán là An Tử) và gọi ngọn núi này là núi Thầy An (nghĩa chữ Hán là An Tử sơn). Đến thời Lê Trung Hưng do kiêng tước hiệu của An Đô Vương Trịnh Cương nên chữ “An” được đọc chệch thành “Yên”, An Tử đọc chệch thành Yên Tử.

- Yên Tử là nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của vị Vua hóa Phật - Hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông. Sau hai lần lãnh đạo quân, dân Đại Việt chống giặc Nguyên Mông thắng lợi vào năm (1285- 1288), Ngài đã từ bỏ ngai vàng, xuống tóc, xuất gia về Yên Tử tu hành (tháng 8 năm Kỷ Hợi 1299)[2] với pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà, đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Sỹ và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc dân tộc Việt, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của Phật giáo Việt Nam sau này.

- Khu Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử là một quần thể kiến trúc Phật giáo, gồm 10 ngôi chùa: Chùa Bí Thượng (chùa Trình), Chùa Suối Tắm, Chùa Cầm Thực, Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Chùa Giải Oan, Chùa Hoa Yên, Chùa Một Mái, Chùa Bảo Sái, Chùa Vân Tiêu, Chùa Đồng; nhiều phế tích am như: Am Lò Rèn, Am Thiền Định, Am Diêm, Am Hoa, Am Dược… ; nhiều tháp mộ thờ các vị thiền sư niên đại thời Trần - Lê tập trung tại các vườn tháp: Huệ Quang, Hòn Ngọc, Chùa Lân, Vọng Tiên Cung hoặc tọa lạc ở phía trước các chùa: Bí Thượng, Giải Oan, Một Mái, Bảo Sái… cùng hàng ngàn di vật cổ nằm trong diện tích 2.783ha Rừng Quốc gia Yên Tử, với hệ thực động vật phong phú và đa dạng, nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Có thể ví Yên Tử như một bảo tàng sống về giá trị lịch sử, văn hoá tâm linh, một bảo tàng về đa dạng sinh học.

- Hiện nay, khu di tích và danh thắng Yên Tử đã được Tỉnh Quảng Ninh phối hợp với tỉnh Hải Dương, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ gửi trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.



[1] Là tên gọi chung của hai dãy núi lớn xếp thành hình cánh cung là Năm Mẫu (Yên Tử) và Bình Liêu cùng vùng đồi đá phiến ở giữa hai dãy núi. Cánh Cung Đông Triều nằm ở phía đông của vùng Đông Bắc Việt Nam và nằm trên địa phận các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng.

[2] Theo Đại Việt sử ký toàn thư