Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long, Xã Thống Nhất, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh
Núi Mằn có tên trong thư tịch cổ là “Bân Sơn" nghĩa là hài hòa, trong ngoài hoàn thiện. Vì vậy, Bân Sơn có nghĩa là ngọn núi đẹp, hoàn thiện từ trong ra ngoài, núi có dòng sông Mân chảy qua nên người dân địa phương thường gọi núi Bân là núi Mân (từ “Mằn” là đọc chệch của từ “Mân”).  

Quần thể danh lam thắng cảnh Núi Mằn gắn liền với những câu truyện truyền thuyết hàng nghìn năm lịch sử, mang đậm dấu ấn đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương với những câu truyện dân gian như: ông khổng lồ gánh đá vá trời, miếu - đền Bạch Thạch linh từ; sự tích vườn quýt lú; sự tích núi nhòm mồm; sự tích ông Cộc, Ông Loang, Ông Dài...Đặc biệt núi Mằn còn là nơi có vị trí quân sự quan trọng trong thời phong kiến, là nơi nhận, phát tín hiệu từ Núi Bài Thơ, thành Xích Thổ (Thành Nhà Mạc) để công, thủ, nhất là trong thời kỳ phần tranh Trịnh - Mạc tại vùng Đông Bắc của nước ta.

Núi Mằn nằm giữa hai nhánh suối là suối Đá Trắng (Bạch Thạch Khe) và suối Lưỡng Kỳ (Khe Bân) đổ ra sông Đá Trắng tạo nên cảnh quan rất đẹp, sơn thủy hữu tình, hệ động thực vật phong phú. Đây cũng là núi đá có hình dáng đẹp nhất, duy nhất còn nguyên vẹn trên khu vực Vịnh Cửa Lục, vùng đệm của Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới.

Núi Mằn là điển hình cho hệ thống núi đá vôi của huyện Hoành Bồ. Núi cao trên 400m so với mực nước biển với các vách đá cao dựng đứng, khe núi hiểm trở, kết cấu vuông, tròn, nhẵn, nhọn xen kẽ với nhau, dáng ngọn núi cho ta liên tưởng đến con voi đang trong thế quỳ phục, vòi chúc xuống khe Bân.

Phía dưới chân núi Mằn, nhân dân xây dựng đền Bạch Thạch để thờ các vị thần: Cao Sơn Thượng Đẳng thần, Quý Minh Thượng Đẳng thần, Đại Càn Quốc gia Nam hải, Đệ nhị Long Vương thượng đẳng thần. Ngoài các vị thần được thờ tại đền Bạch Thạch, trên địa bàn huyện Hoành Bồ còn có hệ thống đình, miếu liên quan đến núi Mằn và đền Bạch Thạch nằm rải rác ở các xã Thống Nhất, xã Đồng Lâm và thị trấn Trới, đó là các miếu: Miếu Ông Cộc, Ông Loang, Ông Dài, miếu Thánh Mẫu, đình Xích Thổ. Các ngôi miếu này có liên hệ mật thiết với đền Bạch Thạch và Núi Mằn bằng câu truyện truyền thuyết hấp dẫn và thần tích thần sắc để lại ba ngôi miếu thờ 3 người con của vị thần Núi Mằn (ông Cộc, Ông Loang, Ông Dài).

Miếu Ông Cộc (Khu 9, thị trấn Trới), Miếu Ông Loang (thôn Cài, xã Đồng Lâm), Miếu ông Dài nằm ở hợp lưu giữa hai dòng suối Bạch Thạch và suối Bân trước khi đổ ra sông cửa Lục.

Bên cạnh những vẻ đẹp thiên tạo, núi Mằn còn có giá trị, ý nghĩa về văn hóa tâm linh. Núi Mằn gắn liền với truyền thuyết "Ông khổng lồ gánh đá vá trời”.