Địa chỉ: , Xã Cẩm Lương, Huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa
Vị trí: Hang cá Cẩm Lương thuộc xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa gần 80km.
Đặc điểm: Ở đây có đàn cá đông tới hàng ngàn con bơi lội tung tăng dưới lòng suối. Người dân địa phương coi đây là đàn cá “thần”, không bao giờ đánh bắt mà luôn tự nguyện bảo vệ đàn cá với mong ước thần linh ban cho mưa thuận gió hòa.
Trải qua đoạn đường dài gần 80km từ thành phố Thanh Hóa đến huyện Cẩm Thủy, một con đò sẽ đưa du khách sang tả ngạn sông Mã để đến thăm hang cá Cẩm Lương (hay còn gọi là suối Cá "thần"), một trong những thắng cảnh thiên nhiên có vẻ đẹp độc đáo của vùng đất xứ Thanh.
Hang cá là một hồ nước thật rộng lớn nằm trong lòng dãy núi Trường Sinh. Ðàn cá "thần" đông hàng ngàn con, tung tăng bơi lội dưới suối đổ dồn về phía bờ như để chào đón du khách đến thăm. Cá "thần" trông thật đẹp mắt, da cá óng mượt sắc vàng lẫn đen như khoác lên mình một lớp gấm quý; vây và môi cá hồng tươi rực rỡ, mỗi con nặng khoảng 20kg. Cá "thần" loại lớn chỉ ra khỏi hang vào những ngày nước lên. Cá sinh sản ở trong hang, cá con lớn đến tầm 2kg thì theo đường cửa hang bơi ra suối Ngọc. Ðàn cá chỉ bơi lội ở suối Ngọc chứ không mấy khi bơi ra khỏi ngã ba suối, nơi có đền thờ Tứ phủ Long vương.
Từ đầu nguồn, theo con đường lên dãy núi Trường Sinh rợp bóng cây đăng, du khách sẽ đến cửa động Ðăng ở độ cao 70m so với mặt đất. Bước vào động, những thạch nhũ đa sắc màu, lấp lánh như kim cương từ vách động, vòm động rủ xuống, mang đến cho du khách bức tranh bồng lai tiên cảnh tuyệt mỹ. Ðộng Ðăng cao ráo, thoáng mát, ngước mắt nhìn lên vòm động, có cảm giác đang đứng dưới một bầu trời đầy sao của đêm hè mát rượi. Lòng động mênh mông sâu thẳm như không có điểm tận cùng. Tiếng róc rách của con suối nhỏ nép mình bên vách động chợt thu hút sự chú ý của du khách. Ðó là khởi nguồn của dòng nước trong hang cá Cẩm Lương.
Ðến thăm hang cá, du khách đều có chung một câu hỏi: Vì sao lại gọi là cá "thần"? Truyền thuyết của người Mường kể rằng: xưa có hai vợ chồng hiếm muộn hàng ngày thường ra thửa ruộng bên suối để trồng trọt và bắt tôm cá ở suối làm thức ăn. Một hôm bà lão ra suối và vớt được một quả trứng lạ. Bà thả xuống nước rồi tiếp tục mò cua, bắt cá nhưng vẫn chỉ mò được quả trứng đó. Bà mang về nhà và ông bà bàn nhau cho gà ấp thử. Ít hôm sau, quả trứng đã nở ra một con rắn. Ông lão mang rắn ra thả ở suối Ngọc, nhưng cứ thả thì đến tối rắn lại về nhà. Lâu dần, rắn sống trong nhà thân quen như những con vật khác. Từ khi có rắn trong nhà, đồng ruộng không còn hạn hán, đời sống trong vùng thái bình, ấm no và hạnh phúc. Rắn được nhân dân trong làng tôn kính và gọi là chàng Rắn. Bỗng một đêm trời mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm. Sáng hôm sau, dân làng thấy xác chàng Rắn dưới chân núi Trường Sinh, bên bờ suối Ngọc. Dân làng được thần linh cho biết: chàng chết vì đánh thủy quái về phá hoại bản làng nên đã được Ngọc Hoàng phong Thần và chức Tứ phủ Long vương. Nhân dân lập đền Ngọc bên bờ suối để tưởng nhớ công lao của Tứ phủ Long vương.
Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền có đàn cá "thần" hàng ngàn con ngày đêm về chầu thần và canh gác nơi đền Ngọc. Hàng năm, vào ngày tế lễ Tứ phủ Long vương, ông từ làm lễ xin thần và chờ khi chiều xuống, đàn cá vào hang, con nào còn sót lại ở suối nghĩa là tự dâng mình làm lễ hiến sinh. Già làng mang cá ra đền cúng tiến thần linh rồi mời các cụ trong làng cùng hưởng. Lệ làng đến nay vẫn duy trì, do đó, đàn cá ở suối Ngọc không bao giờ vơi, mỗi ngày đông hơn và to ra. Bảo vệ đàn cá "thần" là việc làm tự nguyện trong tâm thức của bà con bản Mường nơi đây, với ước muốn thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, đồng ruộng tốt tươi.