Địa chỉ: Nằm ở phía bắc thành phố Đà Lạt 12km, Thị trấn Lạc Dương, Huyện Lạc Dương, Lâm Đồng
Vị trí: Núi Lang Bian nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km về phía bắc.
Đặc điểm: Đây là địa điểm thích hợp cho các nhà dân tộc học, cho các du khách yêu văn hoá truyền thống đến nghiên cứu văn hoá của các dân tộc Nam Tây Nguyên.
Langbiang được người ta ví như nóc nhà của Đà Lạt, không chỉ vì độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển mà còn bởi những cảnh đẹp tuyệt diệu nơi đây. Từ đỉnh Langbiang, có thể ngắm toàn cảnh thành phố Ðà Lạt hiện ra như một bức tranh thủy mặc, cùng với hồ Đan Kia và Suối Vàng trông như tấm lụa đào khổng lồ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi đồi.
Năm 2015, khu dự trữ sinh quyển Lang Biang đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang được UNESCO công nhận là tiền đề để Lâm Đồng phát triển bền vững thông qua việc khai thác các giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái mà trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học về rừng nhiệt đới.
Do nằm ở độ cao được xem là một trong những đỉnh núi cao nhất Lạc Dương, núi Langbiang được xem là khu du lịch đặc thù với loại hình du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu nét văn hoá của người dân nơi đây. Ngay dưới chân núi, có một thung lũng khá lớn, nơi tổ chức thành công lễ hội 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Do đó, nó được gọi là Thung lũng trăm năm, được thiết kế như một khu du lịch sinh thái, giải trí.
Tại Lang Biang, du khách có thể thưởng thức chương trình giao lưu, đốt lửa trại, uống rượu cần với người dân tộc, nghe họ kể những câu chuyện và văn hoá của dân tộc. Nơi đây còn là điểm thu hút du khách có thú phiêu lưu mạo hiểm với chương trình leo núi, chinh phục đỉnh cao. Nếu du khách không thích đi bằng xe Jeep lên đỉnh đồi Ra-đa, du khách có thể chinh phục đỉnh núi bằng cách đi bộ theo con đường nhựa xuyên qua những cánh rừng thông và những ngôi nhà của người dân tộc nơi đây.
Tại đỉnh đồi Ra-đa, có các dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê và các dịch vụ khác như: ống nhòm nhìn thành phố Đà Lạt từ trên cao, cưỡi ngựa chụp hình. Đặc biệt, trên đỉnh đồi còn có vườn hoa, tượng chàng K’lang và nàng Hơbiang, khu bán hàng lưu niệm,... Từ đây, du khách có thể nhìn thấy Suối Vàng và Suối Bạc và toàn cảnh Đà Lạt trên cao với những màn sương mù bay phất phơ trước mặt làm bạn cứ ngỡ như là đang ở trên mây.
Tương truyền cái tên Lang Biang bắt nguồn từ câu truyện tình của chàng K’lang (tù trưởng bộ tộc Lát) và người con gái tên H’biang (con gái tù trưởng bộ tộc Chil) làm xúc động bao du khách đặt chân đến đây. Do khác bộ tộc nên nàng H’biang không cưới được chàng K’lang, vì vậy hai người đành lấy cái chết để giữ trọn tình và phản đối luật tục khắt khe.
Khi K’lang và H’biang mất, cha của H’biang hối hận đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré... thành chung một dân tộc K'Ho. Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’lang và nàng H’biang chết được đặt lên là Lang Biang - tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ hai người và tình yêu của họ.