Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: , Phường Văn An, Thị xã Chí Linh, Hải Dương
Vị trí: Tọa lạc trong khu di tích Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng hơn 80 km về phía đông. Đặc điểm: Đền mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, thờ thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370).

Vùng đất Chí Linh được người xưa coi là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với thế đất “Lục thuỷ tứ linh”, sáu con sông giao hoà một mối gọi là Lục Đầu Giang. Bốn dãy núi trùng điệp xếp lại thành một bức tranh tuyệt hảo gọi là tứ linh: Long-Ly-Quy-Phượng. Nơi đây còn có dãy núi Phượng Hoàng bao gồm 72 ngọn, tượng trưng cho 72 con chim phượng hoàng tung cánh. Phượng Hoàng là biểu tượng cho trí tuệ và tài năng, còn gọi là “Tiều ẩn cổ bích” (tường nhà cổ), nơi ở ẩn của thầy giáo Chu Văn An mà theo sách “Phượng Sơn từ chí lược” của Nguyễn Định Phủ viết “Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư sứ”.

Chu Văn An quê gốc ở làng Văn Thôn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là người có công lớn đầu tiên trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng Giáo ở Việt Nam. Năm 16 tuổi, ông đã đỗ “Đình Thí” (khoa Thi đình) nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung nằm gần làng Văn Thôn. Ngoài 20 tuổi, ông được Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) mời làm tư nghiệp Quốc tử giám dạy học cho Thái tử. Đến đời Vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369), vì không chịu nổi bọn gian thần ác bá, ông đã trao ấn từ quan về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng, lấy hiệu là “Tiều ẩn” (tiều phu), chỉ chuyên dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược cho tới khi mất.

Sau khi Chu Văn An qua đời (1370), tại nơi thầy làm nhà dạy học đã được dựng ngôi đền thờ thầy. Tuy nhiên, trải qua sự nghiệt ngã của thời gian, sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh, đến những năm 80 của thế kỷ trước đền đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Trước thực trạng đó, những năm 90 của thế kỷ trước, được sự nhất trí của chính quyền các cấp, Bảo tàng Hải Dương, UBND phường Văn An và ngành Giáo dục cùng bà con địa phương đã tiến hành một cuộc đại trùng tu và tôn tạo lại đền. Kết quả sau 2 giai đoạn trùng tu, năm 2008 đền thờ Chu Văn An đã trở thành quần thể kiến trúc bề thế trang nghiêm bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính.

Đền thờ chính tọa lạc trên thế đất cao, rộng, theo phong thủy, đây chính là mắt của chim Phượng. Phía trước đền có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng chầu về. Đền được xây dựng theo hình chữ Nhị (), kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, ngói liệt với 8 góc đao cong, bao gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Chính giữa tiền tế đặt ban thờ công đồng, ngay phía sau là ban thờ gia tiên họ Chu, bên phải là ban thờ sơn thần núi Phượng Hoàng, bên trái là ban thờ các môn sinh của thầy. Trong hậu cung đặt tượng thờ thầy bằng đồng, nặng 100kg. Nghệ thuật trang trí trong đền theo đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Các bức y môn sơn son thếp vàng trang trí mỹ thuật theo hình tượng “rồng chầu hoa cúc mãn khai”. Phía trước đền là đôi rồng đá mang phong cách kiến trúc thời Trần…

Trong không gian quần thể đền Chu Văn An uy nghi, thanh tịnh nằm ẩn mình giữa khu rừng thông xanh ngút ngàn, nổi bật lên hàng chữ “Vạn thế sư biểu”, đặc biệt là bảng khắc chữ “Học” rất lớn theo nét bút thư pháp ở trên con đường vào đền. Đây là sự thể hiện tấm lòng tri ân của bao thế hệ người Việt đối với người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An. Một điểm rất khác biệt nữa ở đền Chu Văn An, mỗi khi du khách vào đền, ngoài việc dâng lễ chay, lễ mặn còn dâng cả bút, sách, vở để cầu công danh, thi cử, học hành.

Đền thờ Chu Văn An là điểm du lịch tâm linh và giáo dục truyền thống của rất nhiều du khách, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước. Hàng năm, tại đây diễn ra lễ khai bút đầu xuân (nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học) vào ngày 6 tháng Giêng với 4 chữ thư pháp Hán Nôm: Chính-Học-Thuần-Hành, với 10 chữ Quốc ngữ: Tâm-Đức-Chí-Nghĩa-Trung/Tài-Minh-Trí-Thành-Vinh; lễ hội mùa thu từ 1 – 25/8 âm lịch (chính hội ngày 25); lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 dương lịch; lễ hội về nguồn từ 24 – 26/11 âm lịch (chính hội ngày 26).

Đền đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1998.