Địa chỉ: Phố Chùa Hà, Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Vị trí: Phố Chùa Hà, thành phố VĩnhYên, tỉnh Vĩnh Phúc
Đặc điểm: là nơi thờ Phật, vừa là phật học đường – nơi truyền bá tri thức giáo pháp cho nhiều thế hệ tăng ni, cư sĩ qua hàng trăm năm.
Chùa nằm trên một quả đồi có vị trí rất đẹp với thế “long hàm ngọc” (rồng ngậm ngọc) trên trục đường 2B đi Tam Đảo với diện tích hơn 6,2ha. Chùa được xây dựng từ năm Quý mùi (1703), niên hiệu Chính Hoà thứ 24, đời vua Lê Hy Tông Duy Hiệp.
Tương truyền, xưa Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu trên đường hội quân với vua Hùng Vương thứ 6 đánh giặc, đã dùng nơi đây làm nơi chiêu binh tụ kiệt.
Khuôn viên chùa cổ nay còn 5 cây bảo tháp (loại 3 tầng) cùng cây si cổ thụ buông hàng rễ phụ ôm trọn trong mình một cây Bảo tháp với 300 tuổi là những nhân chứng lịch sử về nơi hoằng hoá Phật pháp của một thời kỳ hưng thịnh Phật giáo cách nay gần thế kỷ.
Qua Tam quan từ phía Đông nam tới tả hữu môn, vòng quanh hành lang tới Tam Bảo, kiến trúc không gian mô phỏng toà Bảo tháp 3 tầng. Từ sân lên đến hiên chùa, phải bước qua 9 bậc thềm, gọi là cửu trùng. Mái chùa uốn cong 4 góc, trên nóc có Lưỡng long chầu nguyệt. Phía sau là nhà thờ tổ, đối xứng hai bên có nhà tiếp khách và phòng trưng bày. Các công trình khác bao gồm: thư viện, trai đường, vườn tháp, giếng ngọc. Các ngôi tượng đại diện cho quá trình khai mở, tu luyện đến thành tựu viên mãn và trở lại hoằng hoá đạo pháp cho thập đại chúng sinh của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni và hàng Bồ Tát thừa, Thanh Văn thừa. Nơi đây còn có khuôn viên dành để kiến trúc mô phỏng những ngôi chùa nổi tiếng trên thế giới và vùng Đông Nam Á, để phật tử thập phương có cơ hội chiêm ngưỡng và tịnh tâm, hoà mình vào không gian thực thực, hư hư như cõi bồng lai tiên cảnh ở thế giới Sa Bà cực lạc với rừng trúc, rừng thông, hồ nước như khai nguyên cho dòng chảy đưa thuyền Bát Nhã trở con người thoát khỏi cảnh trần thế để đến với cõi phật, cõi tiên chính tại ngay cõi Sa Bà này.
Phật đường và nhà mẫu cao lồng lộng, uy nghi, thể hiện sự vĩnh cửu và quảng bá, thanh tĩnh và thiêng liêng. Mặt tiền sảnh là toàn bộ cánh cửa bức bàn bằng gỗ tứ thiết, chạm trổ rất công phu. Phía trên cửa đặt chấn song con tiện. Bên dưới tạc phù điêu tứ quý cách điệu. Ván bưng áp mái, chạy suốt mặt tiền đại điện, có 5 khuôn chữ lớn, nét khắc tinh xảo và mẫu mực. Ba mặt tiền sảnh, tả vu và hữu vu chùa đều có hành lang và dựng cột đá lập phương liền khối, chạm trổ hoa văn uyển chuyển. Dưới chân cột có ghi tên người công đức một cách khiêm tốn. Cả 10 cột đá đều khắc câu đối. Cung Thánh mẫu có 3 bậc thềm rải rộng. Ngoài tiền sảnh có 2 câu đối ở 4 cột 2 gian giữa. Chữ khắc lối khải thư, chân phương mà mềm mại.
Sự đan xen hài hoà của một môi trường cảnh quan, không gian trong lành, tĩnh mịch với những thành phần kiến trúc riêng biệt tạo nên một tổng thể khối kiến trúc hoành tráng nhưng vô cùng thanh thoát với toàn bộ nguyên liệu truyền thống, kiểu dáng truyền thống và kỹ thuật truyền thống của các nghệ nhân thời hiện đại, đã từ trí tuệ và bàn tay tài hoa của mình để chuyền tải dòng văn hoá truyền thống của cha ông, của dân tộc cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau được hưởng thụ mà ghi tâm gìn giữ.
Ngày 13/12 năm Ất Dậu, tức là ngày 20/01/2006, phật lịch 2/549, chùa đươc khởi công trùng quang để có quy mô hoành tráng và to đẹp hơn.
Chùa Hà Tiên xứng đáng là một danh lam lớn của thành phố Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc.