Địa chỉ: , Xã An Hảo, Huyện Tịnh Biên, An Giang
Vị trí: Núi Cấm nằm trong cụm Thất Sơn ở miền Tây Nam Bộ, thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Đặc điểm: Tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam; chùa Vạn Linh với ngôi tháp bề thế, linh thiêng.
Núi Cấm còn có tên là Thiên Cấm Sơn, được người đời ví là Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa), nằm cách trung tâm TP Long Xuyên khoảng 90 km theo Quốc lộ 91 rẽ qua tỉnh lộ 948, và cách thành phố Châu Đốc khoảng 37 km. Núi nằm ở độ cao 705m, chiếm chu vi 28.600m, có nhiệt độ trung bình khoảng 25°C, lý tưởng cho các hoạt động tham quan, khám phá. Từ trên các đỉnh núi, khách tham quan có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh những cánh đồng lúa mênh mông đến tận vùng biển Hà Tiên và biên giới Tây Nam.
Có rất nhiều giai thoại để giải thích tên núi Cấm. Núi Cấm hay Cấm Sơn là tên gọi chính thức bằng văn tự đầu tiên xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí được biên soạn vào cuối thế kỉ XIX. Sách miêu tả rằng: "...thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong bảy núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót". Còn trước đó, theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, ngọn núi này được gọi là núi Đoài Tốn, và tác giả cho biết núi cao 50 trượng, chu vi 20 dặm dư hình như cái đài cao, nghiễm nhiên ở về cung Thìn Tỵ nên gọi là núi Đài Tốn... Gọi là Thiên Cẩm Sơn vì ngoài những danh lam thắng cảnh, núi Cấm còn có quang cảnh thiên nhiên hấp dẫn, hoa lá bốn mùa tạo nên một bức tranh "cẩm tú sơn kì", nổi tiếng với nhiều đỉnh cao thấp khác nhau gọi là vồ, mỗi tên vồ đều gắn liền với một truyền thuyết và mang nhiều ý nghĩa kỳ thú như vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hông, vồ Ông Bướm, vồ Đầu, vồ Bà... Đó là năm vồ hay năm non mà khách hành hương thường hay tới chiêm bái.
Không có cái dáng dấp hùng vĩ và trùng điệp như những dãy núi ở Trường Sơn - Tây Nguyên, , Núi Cấm ở An Giang có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, là một báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất phía tây nam của Việt Nam. Ngay tại chân núi có một ngôi miếu thờ Sơn Thần mà ai qua đó cũng dừng lại thắp hương. Vượt qua đoạn đường lên núi với rừng cây rậm rạp, du khách sẽ thấy một khung cảnh đẹp như tranh: dòng thác đổ từ trên cao xuống các tảng đá xếp chồng lên nhau , tiếng thác đổ vang vọng trong gió núi, lúc xa lúc gần; những khối thạch nhũ lâu năm tuyệt đẹp ở động Thuỷ Liêm…
Tiếp tục cuộc hành trình du khách tới chùa Phật Lớn. Ngôi chùa nằm trong không gian tĩnh mịch, chìm đắm bên những gốc bồ đề cổ thụ nhuốm màu thời gian hơn một thế kỷ.
Gần đó là bức tượng Phật Di Lặc cao 33,6m, Đây là công trình kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi. Điều kì thú là khách tham quan đứng ở bất cứ nơi nào trên các vồ núi cũng đều nhìn thấy tượng Phật màu trắng sáng, ngồi uy nghi giữa một không gian xanh ngát với nụ cười bao dung và hiền hòa.
Cách đó khoảng 100 mét là chùa Vạn Linh với ba ngôi bảo tháp trước tiền đường, cao 40m gồm 9 tầng, mỗi tầng trưng bày một tượng Phật cưỡi mãnh thú cao trên 2m bằng đá Thanh Hóa được điêu khắc cực kì tinh xảo tạo nên một phong cảnh trang nghiêm và trầm mặc.
Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi du khách còn có dịp khám phá thêm nhiều điểm hấp dẫn khác như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm… mỗi nơi đều có một sự tích li kì, một không gian huyền ảo đầy màu sắc tín ngưỡng.
Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100 ha, có cảnh quan đẹp, đường bê tông rộng dẫn lên đến đỉnh núi, đặc biệt có cáp treo núi Cấm đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ khách du lịch từ ngày 14 tháng 02 năm 2015.
Đến với núi Cấm, An Giang, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trải nghiệm các hoạt động leo núi, khám phá hang động, tắm suối…du khách đừng bỏ lỡ dịp thưởng thức các đặc sản địa phương như ốc núi, các loại xoài núi, mít núi, chuối, sầu riêng, bơ và mảng cầu núi…
Núi Cấm hiện nay là điểm hành hương của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh và là điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh An Giang. Ước tính mỗi năm núi Cấm đón hơn 1,2 triệu lượt khách thăm quan, chiêm bái, đông nhất là vào mùa xuân dịp trẩy hội từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch./.