Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: Số 57A Tháp Mười, Phường 02, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh
Vị trí: 57A Tháp Mười, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Đặc điểm: Đây là khu chợ đầu mối buôn bán sầm uất ở TP. Hồ Chí Minh, nơi in đậm nét sinh hoạt thường ngày của cộng đồng người Hoa ở thành phố.

Chợ Bình Tây do cộng đồng người Hoa sinh sống ở vùng Đông Phố, dinh Phiên Chấn (nay thuộc địa phận Quận 5, Quận 6, Quận 10 và Quận 11, TP. Hồ Chí Minh) khởi dựng vào thế kỷ 18. So với chợ của người Việt thời đó thì khu chợ này lớn hơn nên được gọi là chợ Lớn. Năm 1928, nhằm mở rộng quy mô chợ đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngày càng lớn của các tiểu thương, thương nhân gốc Hoa Quách Đàm đã bỏ tiền xây dựng chợ Lớn mới trên khu đất có diện tích hơn 25.000m2 ở thôn Bình Tây (vùng Đông Phố) theo kỹ thuật xây dựng hiện đại của Pháp nhưng mang lối kiến trúc Trung Hoa. Sau khi đi vào hoạt động, với vị trí giao thông thuận lợi cùng tay nghề kinh doanh có kinh nghiệm của các tiểu thương, chợ Lớn nhanh chóng trở thành khu chợ đầu mối bán buôn lớn khắp nước và cả các nước láng giềng (Lào, Campuchia...). Sau năm 1975, chợ Lớn được đổi tên thành chợ Bình Tây. Năm 1992, chợ được tu sửa và xây thêm tầng.

Tiếp giáp với các đường Lê Tấn Kế, Tháp Mười, Trần Bình, Phan Văn Khỏe, chợ Bình Tây có 12 cổng phụ và 1 cổng chính nhìn về xa lộ Tháp Mười, trực diện bến xe Chợ Lớn, thuận lợi cho giao thông, vận chuyển hàng hóa. Kiến trúc cổng chính theo kiểu chùa cổ, mái lợp ngói âm dương, gồm 2 tầng, trong đó tầng trên có 4 mặt, mỗi mặt gắn đồng hồ lớn. Trên góc mái và đỉnh cổng có hình rồng đắp nổi. Mặt trước cổng là bức phù điêu khảm sành màu xanh hình “lưỡng long chầu châu”. Chính giữa chợ có giếng trời tạo không gian thoáng mát. Tại khu vực này còn đặt tượng ông Quách Đàm. Trên bệ tượng ghi năm xây dựng chợ. Xung quanh bệ có 4 tượng sư tử ngậm châu và 4 tượng rồng phun nước bằng đồng. Tại 4 góc chợ là 4 chòi nhỏ có mái được kiến trúc theo kiểu mái chùa phương Đông.

Chợ Bình Tây có gần 2.500 quầy kinh doanh hơn 30 nhóm ngành hàng khác nhau. Các ngành hàng được bố trí, sắp xếp hợp lý, tập trung theo từng khu vực kinh doanh nhằm phát huy thế mạnh của từng ngành hàng.