Địa chỉ: , Phường Cộng Hoà, Thị xã Chí Linh, Hải Dương
Vị trí: Khu di tích danh thắng Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 80km về phía đông.
Đặc điểm: Đây là nơi gắn liền với cuộc đời nhiều danh nhân đất Việt, nổi bật nhất là Nguyễn Trãi. Nơi đây cũng là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ 13.
Côn Sơn là nơi có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với núi, rừng, suối, hồ, đan xen hòa hợp. Phía bắc Côn Sơn giáp núi Ngũ Nhạc, cao 238m, trên đỉnh có miếu "Ngũ Nhạc linh từ" thờ thần núi. Ngay bên cạnh là núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Côn Sơn) cao 200m, trên đỉnh có Bàn Cờ Tiên và di tích nền của Am Bạch Vân. Rừng ở Côn Sơn chủ yếu là thông, bạt ngàn, xanh tốt. Suối Côn Sơn chảy rì rầm từ Bắc xuống Nam, giống như tiếng đàn cầm vang vọng giữa núi rừng mênh mông… Bắc qua suối là cây cầu Thấu Ngọc - một công trình tuyệt mỹ đã đi vào thơ ca, sử sách. Mỗi buổi sáng, sương mờ trắng xóa bao phủ đỉnh núi, trưa đến, Côn Sơn lại khoác lên mình tấm áo tươi xanh, ngan ngát hương bay.
Cảnh đẹp Côn Sơn từ trước tới nay đã quyến rũ bao tao nhân, mặc khách. Chả thế mà, sáu thế kỷ trước, Côn Sơn đã như cảnh thần tiên qua ngòi bút của Nguyễn Phi Khanh (thân sinh ra Nguyễn Trãi) tả trong "Thanh Hư Động ký: "Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bầy/ Hoa dọc suối, cỏ ven rừng biếc hồng phấp phới/ Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem...". Với Nguyễn Trãi, Côn Sơn thật hữu tình, được thể hiện qua tác phẩm Côn Sơn Ca: “Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…”.
Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh đẹp, Côn Sơn còn là miền đất địa linh nhân kiệt.
Hơn một ngàn năm trước, Định Quốc Công Nguyễn Bặc, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Trãi đã lập căn cứ ở Côn Sơn để đánh sứ quân Phạm Phòng Át, một trong 12 loạn sứ quân vào cuối thời nhà Ngô (thế kỷ thứ 10), giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước. Thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, ba vị lập ra thiền phái Trúc Lâm đã về Côn Sơn thuyết pháp, xây dựng chùa Côn Sơn thành chốn Tổ đình, một thiền viện lớn của triều Trần và giao cho Huyền Quang trụ trì. Trần Nguyên Đán - quan Đại tư đồ phụ chính, nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư Động để nghỉ ngơi những năm tháng cuối đời. Lê Thánh Tông (1460 – 1497), vị minh quân và là Tao Đàn nguyên súy (thời Lê sơ), Thánh thơ Cao Bá Quát (1808-1855) (thời Nguyễn)... đều đã đến đây vãn cảnh, làm thơ, để lại cho đời những tác phẩm giá trị.
Tháng 2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm danh thắng Côn Sơn. Tại đây, Người đã đọc văn bia trước cửa chùa Côn Sơn bằng sự trân trọng, thiêng liêng và niềm giao cảm đặc biệt với cố nhân.
Côn Sơn gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân đất Việt. Tuy nhiên, khi nói đến Côn Sơn là nói đến Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi - người đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp của mình ở đây. Thật vậy, ở Côn Sơn, mỗi sự vật, di tích đều lấp lánh ánh sáng của Nguyễn Trãi – Sao Khuê.
Khu di tích này hiện còn lưu giữ nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị, tiêu biểu như:
Chùa Côn Sơn (hay còn gọi là chùa Kỳ Lân, chùa Hun), tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân (núi Hun). Chùa có tên chữ là Thiên Tư Phúc tự. Tương truyền, năm Hưng Long thứ 12 (1304), nhà sư Pháp Loa đã cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ ở chân núi Kỳ Lân, giao Huyền Quang trụ trì. Đến năm Khai Hựu thứ nhất (1329), chùa được trùng tu, mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, một trong các trung tâm của thiền phái Trúc Lâm. Đến thời Lê, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng lớn với 83 gian tòa ngang dãy dọc, gạch đỏ, ngói để men màu và 385 pho tượng. Tuy nhiên, trải qua biến thiên của lịch sử, chùa đã bị thu nhỏ lại với kiến trúc hiện nay hình chữ công (工), gồm 3 toà: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Thượng điện thờ Phật, trong đó có những bức tượng Phật cao 3m, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.
Cùng với kiến trúc đặc sắc, chùa còn lưu giữ cây Đại 600 tuổi, 4 nhà bia, đáng chú ý là bia "Thanh Hư Động" dựng từ thời Long Khánh (1373 - 1377) còn lưu giữ bút tích của Vua Trần Duệ Tông và bia hình lục lăng "Côn Sơn thiện tư bi phúc tự" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khi Người về thăm di tích vào ngày 15/2/1965.
Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia đợt I năm 1962 và di tích đặc biệt quan trọng vào năm 1994.
Nhà Tổ nằm ngay phía sau chùa Côn Sơn, thờ tượng 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ (Vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), tượng Quan tư đồ Trần Nguyên Ðán và vợ, tượng Nguyễn Trãi và vợ thứ của ông (bà Nguyễn Thị Lộ).
Đền Nguyễn Trãi có tên chữ là “Ức Trai linh từ”, tọa lạc trên diện tích 10.000m² dưới chân núi Ngũ Nhạc nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái – thân mẫu của Nguyễn Trãi. Đền tựa lưng vào Tổ Sơn, hai bên dựa vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân tạo thế tả thanh long, hữu bạch hổ. Minh đường của đền nhìn ra hồ Côn Sơn, nơi có núi Phượng Hoàng, Chúc Thôn chầu vào. Dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái ôm lấy đền.
Đền gồm có 15 hạng mục: đền Chính, nhà Tả vu, nhà Hữu vu, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại, cầu Thấu Ngọc, miếu Giải oan, hồ Nhân Nghĩa, nhà bia, am hoá vàng, hệ thống sân vườn... Trong đó, đền Chính được xây dựng trên diện tích khoảng 200m², theo hình chữ công (工), mang phong cách kiến trúc thời hậu Lê, gồm 3 gian: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Trong Hậu cung đặt tượng thờ Nguyễn Trãi bằng đồng cao 1,4 m, nặng 600 kg và hai tượng song thân phụ mẫu của ông.
Tại đây vẫn còn lưu giữ những bức hoành phi, câu đối với nội dung thể hiện tâm hồn, cốt cách, tài năng, công đức lớn lao của Nguyễn Trãi và tấm lòng thành kính, biết ơn của nhân dân đối với ông.
Đền thờ Trần Nguyên Đán được xây dựng năm 2004, gần thượng nguồn suối Côn Sơn, tại vị trí mà hơn sáu trăm năm trước ông đã dựng nhà để nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già.
Năm 1385, Trần Nguyên Đán đã đưa vợ và cháu ngoại là Nguyễn Trãi mới 5 tuổi về sống tại Côn Sơn. Tại đây, ông đã cùng vợ trồng rừng thông, bãi giễ và xây dựng quần thể kiến trúc trong núi - động Thanh Hư. Đây là công trình quy mô hoành tráng, bao gồm nhiều hạng mục hài hoà với thiên nhiên, đã trở thành địa danh nổi tiếng, đi vào thi ca, sử sách.
Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, dưới chân Ðăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền, vào một đêm rằm tháng bảy, thiền sư Huyền Quang mơ thấy một viên ngọc sáng lấp lánh nằm trên sườn núi Kỳ Lân. Trời sáng, thiền sư cùng các tăng ni lên sườn núi xem xét, khi phát quang bụi sim, mua, thấy một giếng nước trong vắt, uống thử thấy nước ngọt, mát, người khoan khoái. Khi về chùa, thiền sư đã làm lễ tạ thần linh vì ban cho chùa nguồn nước quý và xin được khơi sâu, kè bờ. Từ đó giếng được gọi là giếng Ngọc và các sư trong chùa thường lấy nước giếng để cúng lễ. Đã có thời gian giếng bị cỏ cây che lấp. Năm 1995, giếng đã được đầu tư khơi lại, kè đá, xây bờ, lát sân để tạo cảnh quan chung cho khu du lịch và cũng là để du khách khi về thăm Côn Sơn có dịp uống ngụm nước giếng thiêng.
Khu mộ tháp nằm gần giếng Ngọc. Tại đây, Vua Trần Minh Tông đã cho dựng Đăng Minh bảo tháp bằng đá xanh, cao 3 tầng, bên trong đặt xá lợi và tượng thờ Huyền Quang sau khi thiền sư mất.
Bàn Cờ Tiên: Từ giếng Ngọc, theo con đường lát đá dài hơn 600 bậc với hai bên là rừng thông xanh cao ngất trời sẽ đến đỉnh núi Kỳ Lân (cao 200m). Đỉnh núi là một khu đất bằng phẳng, trên có một phiến đá khá rộng, người xưa gọi là Bàn Cờ Tiên. Tại đây hiện còn lưu giữ di tích nền hình chữ công của Am Bạch Vân – một kiến trúc được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ 14), thời Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang tu hành ở chùa Côn Sơn với tám mái chảy, có lan can xung quanh, để các vị cao tăng tu luyện, giảng kinh, thuyết pháp cho môn đệ.
Năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xây dựng "Vọng giang đình" (nhà bia) hai tầng cổ các tám mái để tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi ngay bên cạnh di tích nền Am Bạch Vân. Tại đây có bia đá khắc ghi về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi và lịch sử di tích Côn Sơn.
Từ đỉnh núi Kỳ Lân, du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng núi, rừng rộng lớn, nhìn về đông bắc 10km là núi Bái Vọng với quả núi hình hoa sen, cỏ cây tươi tốt, đây chính là nơi để thi hài của Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi.
Thạch Bàn là hai tảng đá sói kết, mặt tương đối bằng phẳng, nằm cách nhau gần 100m, bên cạnh suối Côn Sơn.
Thạch Bàn lớn thường gọi là “hòn đá 5 gian”, có kích thước 28,5 x 6m. Tương truyền, đây là nơi Nguyễn Trãi thường ngồi ngắm cảnh, làm thơ và suy nghĩ vận nước. Thạch Bàn nhỏ hơn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh khi Người đến thăm Côn Sơn.
Hàng năm, tại Côn Sơn diễn ra hai lễ hội chính gắn với đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh). Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc được tổ chức từ 14 - 17 tháng Giêng để tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang tôn giả, với các nghi thức tế lễ và diễn xướng dân gian như: Lễ Mông sơn thí thực, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ, lễ rước nước, đua thuyền trên Lục Ðầu Giang, chọi gà, cờ người, đấu vật… Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 – 20/8 âm lịch để tưởng nhớ ngày mất của Đức Thánh Trần và Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, với các nghi lễ như: lễ rước cỗ tiến Thánh, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần và nhiều hoạt động dân gian như: đấu vật, đua thuyền, bắt vịt…
Trong những năm gần đây, Côn Sơn đã được tôn tạo và bổ sung nhiều công trình, đường vào Côn Sơn từ nhiều ngả được nâng cấp và tráng nhựa. Du khách đến đây dù vào thời điểm nào cũng bắt gặp không khí mát mẻ trong lành, một không gian thơ mộng và đượm tính nhân văn.