Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: , Thị trấn Đại Đình, Huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Vị trí:  Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc Đặc điểm: Là một khu du lịch với đa dạng sinh học và có hệ thực vật phong phú. Tây Thiên cũng là nơi du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc.

Danh thắng Tây Thiên cách Hà Nội khoảng hơn 70km với hơn 1 h đi xe ôtô. Khu danh thắng này đã được đông đảo nhân dân biết đến và nổi lên như một điểm du lịch thu hút một số lượng lớn khách đến Vĩnh Phúc.

Với diện tích khoảng 148ha, nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên có một vùng đa dạng sinh học. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hệ thực vật Tây Thiên có 130 họ, 344 chi và 490 loài, một số loài có giá trị khoa học và giá trị kinh tế đáng kể như: pơ mu, la hán, sam pông. Rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi. Hệ động vật Tây Thiên cũng khá phong phú, có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, cá cóc Tam Đảo. Sự đa dang sinh học cùng với hệ thống các đình chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ khiến Tây Thiên thu hút khách du lịch và nhiều nhà nghiên cứu.

Từ thế kỷ 18, Tây Thiên đã là một vùng danh thắng và được Lê Quý Đôn mô tả lại trong "Kiến văn tiểu lục": "…bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, phát nguyên từ khe đá đỉnh núi chảy xuống trông như tấm lụa; bên hữu là suối Vàng”.

Đền Tây Thiên thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Năng Thị Tiêu. Tương truyền, bà sinh ra là do linh khí núi cao rừng thẳm vùng Tam Đảo tụ lại mà thành. Là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, bà đã ra giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc giữ nước Văn Lang. Giặc tan, bà từ chối những tước lộc Vua ban để lại lui về với núi rừng Tây Thiên. Cũng có sách nói do cảm mến sắc và tài của bà nên Hoàng tử Lang Liêu đã cưới bà làm vợ và những chiếc bánh chưng - bánh dày ra đời trong truyền thuyết cũng nhờ công sức rất lớn của bà.

Khi bà mất, nhân dân đã tôn vinh bà là Quốc Mẫu Tây Thiên và lập nhiều đền thờ. Có một chi tiết khá thú vị là nhân dân trong vùng do kỵ húy tên Bà nên thường tránh nói "tiêu tiền" mà nói thành "pha tiền". Ngoài những di tích thờ phụng Quốc Mẫu Tây Thiên, khu danh thắng này còn có nhiều ngôi chùa thờ Phật như chùa Phù Nghì, Thiên Ân, Đồng Cổ… Một số di vật như tượng đồng, chuông khánh đã có hơn 1.000 năm tuổi còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Khách du lịch về Tây Thiên các năm rất đông và có đủ các đối tượng, độ tuổi. Từ trẻ nhỏ đi theo bố mẹ đến các cụ già “chống gậy leo núi” và đông nhất vẫn là du khách tuổi thanh niên, sinh viên, học sinh. Mỗi người đều có một dáng vẻ, một tâm nguyện, một ước muốn. Nhưng dù ở mục đích, hoàn cảnh hay điều kiện nào họ cũng làm lễ, dâng nén nhang thơm để cầu mong điều mình ước muốn với tấm lòng thành kính trước trời phật Quốc Mẫu Tây Thiên. Mỗi người già đều mong đến được dòng Bát Nhã, suối Giải Oan, Thác Bạc, Sông Vàng và thắp nhang ở cõi Niết Bàn (Đền Thượng). Dù với đối tượng nào, thắng cảnh Tây Thiên cũng như một chốn “bồng lai tiên cảnh”, giữa đại ngàn làm tiêu tan những mệt mỏi, những bận bịu, toan tính đời thường.

Năm 1991, Khu danh thắng Tây Thiên được xếp hạng di tích Quốc gia