Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: Số 3 Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Vị trí:Số 3 Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội.  Ðặc điểm: Lưu giữ hiện vật, hình ảnh, phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch.

Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm gần khu vực quảng trường Ba Đình, phía sau Lǎng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt chính hướng ra đường Hùng Vương, cách đường Hùng Vương 260m. Công trình được khánh thành ngày 19/5/1990, đúng vào dịp kỷ niệm 100 nǎm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng cùng với Lǎng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu di tích Phủ Chủ tịch tạo thành một quần thể kiến trúc, lịch sử, vǎn hoá tưởng niệm vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, chiến sĩ xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Ðây là tòa nhà cao 20,5m gồm 4 tầng với tổng diện tích sử dụng là 10000m². Công trình được thiết kế như một bông hoa sen nở, tượng trưng cho phẩm chất thanh cao, trong sáng của Hồ Chủ tịch. Bảo tàng Hồ Chí Minh có kho bảo quản hiện vật đảm bảo mọi điều kiện kỹ thuật, có tầng trưng bày, gian triển lãm. Bảo tàng còn có thư viện chuyên đề phục vụ công tác nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hội trường 400 chỗ ngồi để hội họp và chiếu phim tư liệu về Bác Hồ.

Phần trưng bày của Bảo tàng rộng gần 4000m2 giới thiệu hơn 100 nghìn hiện vật gốc, hình ảnh phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam và thế giới từ cuối thế kỷ thứ 19 đến nay. Tầng trưng bày gồm 3 không gian chính: gian long trọng, phần trưng bày tiểu sử và phần trưng bày các đề mục mở rộng.

 

Gian long trọng (gian mở đầu) là trung tâm của toà nhà, trang nghiêm và giản dị. Tại đây có bức tượng đồng toàn thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tư thế đứng giơ tay như chào mọi người đến thǎm. Bức tượng cao 3,5m, đặt trên bệ cao 60cm. Trên bức tường phía sau tượng là những bức phù điêu, khắc hoạ truyền thống lịch sử và vǎn hoá của dân tộc Việt Nam.

Từ gian long trọng rẽ tay phải, chúng ta sẽ thǎm phần trưng bày tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu cho phần trưng bày tiểu sử là bức bình phong chạm gỗ, bằng hình tượng nghệ thuật thể hiện câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Các vua Hùng đã có công dựng nước". Đối xứng qua gian long trọng là bức bình phong thứ hai thể hiện tư tưởng "Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".

Phần tiểu sử là một thể thống nhất gồm: Vành đai tiểu sử và các tổ hợp không gian hình tượng.

Vành đai tiểu sử trưng bày các tài liệu hiện vật phản ánh cuộc đời và sự nghiệp cách  mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 9 chủ đề:

Chủ đề 1 (1890-1910) giới thiệu quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ đề 2 (1911-1920) giới thiệu con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều nước, cuộc sống và quá trình nghiên cứu học tập tìm con đường giải phóng dân tộc.

Chủ đề 3 (1920-1924) giới thiệu những hoạt động quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp và Liên Xô, những cống hiến lý luận của Người về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Chủ đề 4 (1924-1930) giới thiệu công lao truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức nhằm sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Chủ đề 5 (1930-1945) giới thiệu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng lập mặt trận Việt Minh và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Tám nǎm 1945, sáng lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Chủ đề còn giới thiệu cuộc sống gian khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người bị giam cầm ở nhà tù đế quốc Anh ở Hồng Kông và nhà tù của Quốc dân đảng ở Quảng Tây.

Chủ đề 6 (1945-1954) giới thiệu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua sách lược đúng đắn và tài tình, xây dựng và củng cố chính quyền non trẻ, tiếp đó lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng và chính nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.

Chủ đề 7 (1954-1969) giới thiệu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiều mặt đồng thời xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bè bạn thế giới.

Chủ đề 8 kết thúc bằng sự kiện đau thương: những ngày cả nước để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế giới chia sẻ nỗi đau buồn với nhân dân ta.

Chủ đề 9 với tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của nhân dân Việt Nam, giới thiệu sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam theo di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp, cùng nhau "đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Theo vành đai tiểu sử, mọi người còn được xem 8 phim tư liệu lịch sử giới thiệu những hình ảnh sống động trên những chặng đường hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết thúc của mỗi chủ đề là những biểu tượng mỹ thuật gợi người xem suy tư về ý nghĩa của từng giai đoạn lịch sử, đó cũng là những điểm ghi dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của cách mạng Việt Nam: tìm ra đường lối cứu nước nǎm 1920, Đảng Cộng sản ra đời nǎm 1930, đất nước độc lập nǎm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt nǎm 1954, những ngày đau thương nǎm 1969, giải phóng miền Nam nǎm 1975.

Các tổ hợp không gian hình tượng là một bộ phận không thể tách rời của phần trưng bày tiểu sử. Trong chu trình tham quan, chúng ta gặp 6 tổ hợp không gian hình tượng: Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - Xô Viết Nghệ Tĩnh  - Mảnh đất cách mạng (Pác Bó) - Mảnh đất chiến đấu (1945-1954) - Tang lễ (1969) - Nước Việt Nam thống nhất.

Trên tầng trưng bày còn có phần các chuyên đề và đề mục mở rộng (gọi tắt là các chuyên đề) những chuyên đề này được trưng bày ở 8 gian bao quanh phía sau đai tiểu sử với nội dung sau:

Gian 1: Tình hình thế giới và Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20

Gian 2: Ý nghĩa của cách mạng Tháng Mười vĩ đại và ảnh hưởng đối với cách mạng Việt Nam
Gian 3: Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít

Gian 4: Sự hình thành và phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới.

Gian 5: Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Gian 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào cách mạng thế giới

Ngoài ra còn có 2 chuyên đề có tính chất thời sự:

Gian 7: Bác Hồ với thế hệ trẻ

Gian 8: Nước Việt Nam ngày nay

Từ ngày khánh thành Bảo tàng đã đón tiếp hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Với chức nǎng, nhiệm vụ của một thiết chế vǎn hoá, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm nghiên cứu, giới thiệu về cuộc đời của một vĩ nhân thế kỷ 20, một con người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; một con người trọn vẹn trong tư tưởng, đạo đức và phong cách, sống cao thượng và giàu lòng nhân ái.