Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: Dòng sông có chiều dài khoảng 160km, đi qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn., Quảng Bình
Có lẽ, nhắc đến Quảng Bình - miền quê gạo trắng nước trong không thể không nhắc đến dòng sông Gianh đã đi vào lịch sử dân tộc bao đời. Sông Gianh (tên chữ là Đại Linh Giang) là một trong năm con sông lớn của tỉnh Quảng Bình. Sông nằm cách tỉnh lỵ Đồng Hới hơn 40km, cắt qua quốc lộ 1A ở tây bắc Cửa Gianh 5km, có lòng sông sâu, lượng nước chảy mạnh.

Sông Gianh phát nguyên từ bốn đầu nguồn: Nguồn Son, nguồn Nan, nguồn Trổ và nguồn Nậy.  Sông Gianh có lòng sông sâu, lượng nước chảy mạnh, bắt đầu từ rừng núi Trường Sơn hiểm trở, lách núi, xuyên ngàn, tạo ra nhiều ghềnh thác rồi đổ ra biển Đông. Với chiều dài con sông là 152 km, chiều rộng có nơi đến 900 m, nó đi qua vùng đất của 4 huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch. Lòng sông có 5 cồn và đảo nhỏ trên sông, trong đó đảo dài nhất khoảng 3,8km, rộng nhất khoảng 0,8km. Dòng nước sông Gianh về đến cửa biển thì hơi hẹp lại và tiếp nhận thêm dòng nước của con sông nhỏ gọi là Rào Chùa, hay còn gọi là Rào Bồ Khê, Thanh Trạch ở bờ phải phía Nam cửa lạch.

Dọc đôi bờ, từ cửa lạch đến thượng nguồn ruộng lúa, nương khoai, bãi dâu một màu xanh biếc, làng xóm đông vui, sầm uất. Trải dài theo dòng sông là những xóm làng, nào là làng thuần nông, làng nghề, làng văn hóa. Như làng La Hà, làng Thanh Thủy, làng Hòa Ninh, các làng đó đã sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt và những tài nhân xuất chúng... Biết bao tên làng, tên cồn bãi, tên núi... dọc bờ sông Gianh gợi lên bao kỳ tích và huyền thoại thuở hồng hoang: Nơi Cồn Rồng, lèn Tróoc, Tiên Lễ, Thi Đàn, Lệ Sơn... Chỉ những cái tên ấy thôi cũng đã nói được bao điều về cuộc sống, về lịch sử, về văn hóa của những làng quê mà con sông Gianh đêm ngày uốn lượn qua. Năm tháng càng dày thêm thì lịch sử vùng đất này cũng ghi thêm những sự kiện mới. Thế kỉ XVII, sông Gianh là chiến tuyến của cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Nơi đây từng diễn ra bao trận đánh đẫm máu giữa quân lính hai xứ Đàng ngoài - Đàng trong. Trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, quân Trịnh án ngữ ở đèo Ngang, nhưng thực sự ranh giới Bắc Nam là sông Gianh. Bờ bắc sông có chợ Ba Đồn là nơi quân Trịnh mua đồ ăn uống và trao đổi hàng hóa. Bờ nam sông có một số thành lũy của nhà Nguyễn do Đào Duy Từ xây đắp như lũy Thầy dài 18km, lũy Trường Dục dài 10km. Rồi đến những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ, sông Gianh cũng nằm trong “tọa độ lửa đạn”, bom mìn chiến tranh, mang trên mình đầy chiến công và chứng tích.

Thăng trầm của lịch sử đã đi qua, hãy khám phá vẻ đẹp sông Gianh ngày nay. Nơi này còn được mệnh danh là nơi đất trời giao hòa, chốn bồng lai tiên cảnh. Khi thủy triều lên, sóng vỗ vào vách đá tạo nên cảnh đẹp kì thú và bí ẩn mà không dòng sông nào có được.  Nếu có dịp xuôi thuyền ngược dòng sông Gianh bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thanh bình, huyền ảo say đắm lòng người của con sông ấy. Có lẽ, vẻ đẹp kỳ vĩ, nên thơ của sông Gianh đã trở thành cảm hứng thi ca cho các tao nhân mặc khách.

Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, bến phà Gianh trở thành địa danh nổi tiếng trong lịch sử. Từ khi cầu lớn bắc qua sông Gianh, giao thông trên đường thiên lý Bắc - Nam càng thêm thuận tiện. Tượng đài chiến thắng Sông Gianh, cảng Gianh, cầu Gianh… hôm nay sừng sững và uy nghi dưới trời xanh chính minh chứng cho sự chuyển mình và đi lên của vùng đất nối đôi bờ con sông huyền thoại này./.