Địa chỉ: , Thị trấn Núi Đối, Huyện Kiến Thuỵ, Thành phố Hải Phòng
Kiến Thụy, miền đất địa linh nhân kiệt, một miền quê sản sinh những con người tuấn kiệt. Vùng quê anh hùng có Kim Sơn kháng Nhật, có Dương Kinh nhà Mạc lẫy lừng một thuở với con người cần mẫn, chịu thương chịu khó, hiếu học mà đầy sáng tạo trong lao động sản xuất, từng bước đưa cuộc sống ngày một phát triển, phồn vinh an lạc. Đồng thời, Kiến Thụy còn là một miền đất giàu truyền thống văn hóa tâm linh. Nhiều ngôi chùa được xây dựng khắp các làng xã trong toàn huyện, cùng với nhiều lễ hội văn hóa được tổ chức nơi đây góp phần làm giàu bản sắc dân tộc của quê hương, đất nước.
Từ khi con người đến khai thiên lập ấp trên miền đất Kiến Thụy, không biết từ bao giờ, trong lòng đất mẹ có dòng sông Đa Độ uốn lượn vươn tới mọi miền quê, đem dòng nước ngọt trong ban tặng cho con người. Cạnh đó, giữa trung tâm huyện sừng sững hiện lên ngọn núi mang trong mình cả một huyền tích thần Đồ Sơn tạo nên vẻ đẹp kỳ thú sơn thủy hữu tình.
Chuyện kể về người con gái tên Chè đã đem lòng yêu thần Đồ Sơn. Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng 3, họ gặp nhau rồi lại chia tay. Năm ấy, thần Đồ Sơn tặng nàng Chè hai hòn đá quý. Nàng gánh đi về, khi qua sông Đa Độ thì trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng, bỗng đòn gánh bị gẫy. Nàng chạy về nhà lấy đòn gánh khác. Khi ra thì trước mắt hiện lên hai quả núi sừng sững đối nhau, rồi nàng tự biến mất. Dân làng quen gọi hai quả núi đó là núi Chè và núi Đối - nằm giữa trung tâm huyện Kiến Thụy, Hải Phòng ngày nay.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và nguyện vọng ngàn đời của bà con nhân dân và tín đồ phật tử cũng như tăng ni trong huyện, năm 2006, được sự chấp thuận của UBND thành phố Hải Phòng, UBND huyện Kiến Thụy và các ban ngành đã thỉnh Đại Đức Thích Tục Hạnh - Trưởng ban đại diện Hội Phật giáo huyện, đại diện cho tăng ni huyện nhà về kiến thiết, xây dựng Thiền môn Phật pháp tại núi Đối và biến núi Đối trở thành trung tâm Phật giáo của huyện nhà, nhằm đem giáo lý Phật đà phổ cập tới mọi miền quê và muôn người mộ đạo chân chính.
Năm 2010, chùa Linh Sơn Viên Giác đã được xây dựng cơ bản đầy đủ công trình thiết yếu. Chùa được xây theo lối cổ, mái đao cong vút, hình long phượng đằng vân, lưỡng long chầu nguyệt, tọa lạc trên đỉnh núi Đối. Tới thăm cảnh chùa, du khách có thể ngắm toàn cảnh huyện Kiến Thụy và cửa biển Đồ Sơn. Phía Đông là dòng sông Đa Độ uốn mình như dải lụa, cung cấp nguồn nước ngọt mát lành cho toàn huyện Kiến Thụy, quận Dương Kinh và quận Đồ Sơn, phía Tây có Văn Miếu Xuân La và đền chùa Mõ, phía Nam có Vương triều nhà Mạc, xa xa phía Bắc là núi Thiên Văn.
Du khách tới chùa lên lễ Phật tại chùa Hạ, qua bên phải lễ Thánh Mẫu xin tài lộc của người ban rồi lên núi lễ Phật. Từ phủ Mẫu qua trái, qua hàng trăm bậc đá dẫn lên chùa Thượng. Từ chùa đi lên đến lầu Quan Âm là hàng tượng La Hán được tạc bằng đá xanh nguyên khối, mỗi pho tượng mang hình dáng, tâm trạng khác nhau nhưng đều có điểm chung là sự hòa trộn giữa nỗi đau nhân thế với cái khí bất diệt cao cả của nhà truyền đạo. Lầu Quan Âm được xây dựng như một tòa tháp sen, chung quanh hồ là hành lang đá chạm khắc tinh xảo. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng đồng nặng khoảng 1 tấn được đặt trong lầu. Phía sau là bia chữ Hán thần chú Đại Bi của đức Quan Thế Âm. Bên cạnh lầu Quan Âm có khu vườn tượng dựng lại cảnh Thích Ca đang chuyển Pháp Luân đầu tiên cho anh em Kiều Trần Như rất sinh động.
Hàng năm tại chùa Linh Sơn Viên Giác diễn ra các lễ hội lớn như Lễ tết Nguyên Tiêu (10/1 âm lịch), kỷ niệm ngày thần Đồ Sơn và cô Chè gặp nhau (9/3 âm lịch), tết Vu Lan (15/7), lễ hội Hoa Đăng (29/9), lễ Tất Niên (17/12) thu hút đông đảo người dân và du khách mọi nơi.
Ngày 12/2/2011, chùa Linh Sơn Viên Giác đón nhận Bằng bảo trợ Di sản văn hóa của UNESCO Việt Nam. Linh Sơn Viên Giác Tự trong tương lai sẽ trở thành trung tâm tín ngưỡng tâm linh và là điểm thu hút du khách mọi miền đến thăm quan.