Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, Xã Vị Thuỷ, Huyện Vị Thuỷ, Hậu Giang
Người Việt Nam ta vốn quen câu nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngay trong đời sống của người dân, trầu cau đã đi vào sự tích, thơ ca, từng gắn bó với đời sống vùng thôn quê một cách thân thiết, gần gũi thân thương nhất. Nét đẹp hồn quê ấy hiện vẫn còn được lưu giữ ở làng trầu Vị Thủy và lưu truyền từ bao đời nay.

Làng trầu Vị Thủy được xem là làng nghề trồng trầu lá còn lại độc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Làng trầu Vị Thủy thuộc xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, nghề này đã gắn bó lâu đời với người dân và trở thành nét đặc trưng mỗi khi nhắc đến xã Vị Thủy.

Hiện huyện Vị Thủy có gần 40ha trầu, trong đó xã Vị Thủy được xem là “Vương quốc trầu lá” tập trung gần 200 vườn trầu với diện tích khoảng 32ha. Chỉ có vùng Vị Thủy nước ngọt ven sông Hậu này trồng trầu mới đậm đà, ăn mới ngon, thắm môi, đỏ miệng. Có dịp đi du lịch Hậu Giang, đến đây ai cũng ấn tượng trước những vườn trầu với hàng trăm, hàng ngàn nọc trầu thẳng băng, lá xanh mơn mởn phảng phất chút vàng óng ả trông thật đẹp mắt.

Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích. Sau 3 – 4 tháng xuống giống, dây trầu sẽ bắt đầu cho lá, cứ nửa tháng lại hái một lần. Thông thường, thương lái đến tận nhà thu mua  trầu chở đi các nơi giao lại cho bạn hàng ở các tỉnh miền Tây.

Muốn có được một ốp trầu (40 lá), người trồng phải trải qua nhiều công đoạn: mua hom giống, chọn cây làm nọc, khai mương, đơm gốc, tưới nước, hái trầu rồi xếp lại thành ốp gọi là liễn trầu tức xếp những lá trầu thành chục (chục có khi 10, có khi 16 hoặc 20…tùy nơi), sau đó xếp thành trăm rồi thành thiên trước khi giao cho thương lái. 

Nói đến cách trồng, bà Nguyễn Thị Năm một chủ vườn trầu, kể: cứ thấy đọt trầu nào mập mạp, mạnh khỏe thì kéo vùi xuống lớp đất xốp của luống trầu. Một thời gian ngắn thấy dây trầu bén rễ thì chiết ra đem ốp vào cọc mới. Trầu dễ trồng, lên rất nhanh và nhẹ công chăm sóc. Do là loại cho lá nên nếu đủ phân, nước, trầu sẽ cho thu hoạch sau 3-4 tháng. Đặc biệt trầu chỉ ưa các loại phân xanh (hữu cơ) có nguồn gốc tự nhiên, chứ không thích hợp các loại phân hóa học. Bón phân truyền thống (phân xanh) thì lá trầu thon thả và có màu xanh óng ả hơi đượm chút vàng trông đẹp mắt hơn.

Nhũng người trồng trầu cho biết nọc trầu phải bằng cây tràm, vì vỏ tràm bám rất chắc vào thân cây tạo điều kiện cho rễ dây trầu bám và phát triển tốt. Người dân thường thu hoạch trầu vào lúc sáng sớm. Khi đến lứa hái, thợ hái trầu sẽ lựa những lá trầu bóng mượt, vừa chín tới vàng óng, số lá còn lại sẽ hái đợt tiếp theo cách đợt trước khoảng 10 ngày. Người trồng còn phải làm giàn để hái lá trên cao. Khi ngọn vượt khỏi giàn thì cắt bỏ….

Trầu Vị Thủy vừa là nét văn hóa truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu của nhiều người trong đời sống thường nhật và trong dịp lễ tết, cưới hỏi…Ngoài để ăn, dùng cúng kiến trong các dịp lễ, trầu cũng là một loại dược liệu được nghiên cứu chiết xuất tinh dầu ứng dụng trong sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm. Gần đây, trầu Vị Thủy còn được xuất khẩu sang một số nước châu Á, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng trầu.

Ngày nay, còn rất ít người ăn trầu, nên hình ảnh cây cau, dây trầu đã dần dần mờ phai. Nhưng tại làng trầu Vị Thủy, vẫn còn đó những vườn trầu vàng ươm, mướt mát làm say mê vãng khách.