Địa chỉ: Cách Hà Nội chừng 150km về phía Đông Bắc, Huyện Sơn Động, Bắc Giang
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang có tổng diện tích là 13.022,6 ha rừng và đất lâm nghiệp. Với độ cao trung bình từ 300 - 1000 m so với mặt nước biển. Bên cạnh việc lưu trữ, bảo tồn nhiều loại động thực vật quý hiếm khu bảo tồn còn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp là tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch với 4 tuyến du lịch chính.
1.Tuyến Đồng Thông - Chùa Đồng (Yên Tử)
Quần thể tích lịch sử chùa Đồng và các chùa trên dãy Yên Tử là cõi tâm linh, gắn liền với Thiền phái Trúc lâm do vị vua Trần Nhân Tông sáng lập xây dựng nên quần thể di tích này. Theo con đường từ bản Mậu (xã Tuấn Mậu), du khách sẽ bộ hành dã ngoại đi xuyên qua khu rừng có hệ động thực vật nhiệt đới rất phong phú do thiên nhiên ban tặng dẫn lối lên đến Chùa Đồng và các chùa khác trong quần thể chùa trên dãy núi Yên Tử. Trung tâm khu du lịch sinh thái Đồng Thông nằm sát dưới chân núi, một ngôi nhà sàn lớn khang trang, nằm liền kề ngôi nhà cấp 4 ngay bên dòng suối Nước Trong thơ mộng, có dòng nước trong vắt từ mạch nước ngầm chảy ra từ khe rừng già đại ngàn. Bờ bên kia là cây thông nàng cổ thụ, đang rì rào trong gió xen lẫn tiếng suối róc rách như đang tâm tình kể chuyện sự tích ngày xưa. Trên đường đi bạn sẽ gặp các loài Phong lan, Địa lan sặc sỡ lấp lánh sắc màu, đó đây ríu rít tiếng chim, thú hót vang lên lanh lảnh gọi bầy trong không gian tĩnh mịch như đón chào du khách. Tới gần chùa Đồng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngắm nhìn và chụp ảnh bên cạnh con rùa đá khổng lồ đã có hàng nghìn năm tuổi. Hòa lòng mình cùng thiên nhiên cỏ, cây, hoa lá, với lòng thành tâm hướng về cõi phật, sau một chuyến đi, du khách sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm, thanh thoát. Bạn có thể nghỉ tại trung tâm điều hành du lịch thuộc Ban quản lý KBT tại thị trấn Thanh Sơn với phòng tiện nghi, khép kín. Thăm chợ Nòn để thưởng thức hương vị mật ong rừng Yên Tử, đặc sản rượu men lá làm say lòng người. Bạn có thể nghỉ lại tại nhà sàn trung tâm du lịch sinh thái Đồng Thông. Thăm quan tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa, lễ nghi dân gian của bà con dân tộc như: Lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới, lễ cấp sắc của người dao ở bản Mậu và Đồng Thông.
2. Tuyến du lịch thăm thác Ba Tia
Từ thị trấn Thanh Sơn, đi khoảng 4 km đường nhựa, bạn gặp ngay dòng suối có tên Nước Vàng thuộc địa bàn xã Thanh Luận. Từ đây, bạn sẽ dã ngoại đi ngược suối đường mòn theo sườn đá, hoặc đường mòn xuyên rừng khoảng chừng 2 km là bạn được thấy tận mắt thấy thắng cảnh thác Ba Tia hùng vĩ. Một dòng thác chính được chia thành 3 luồng chảy xiết mạnh vào một vùng lòng chảo tung bọt nước trắng xóa rồi xuôi dòng uốn lượn hiền hòa. Chẳng rõ ai đặt tên cho thác, mà từ lâu lắm rồi thác đã có tên gọi Ba Tia. Bạn sẽ thỏa sức tha hồ mà bơi lặn dưới vùng nước hình lòng chảo trong vắt, mọi cảm giác mệt mỏi sẽ tan biến mất từ bao giờ mà không hay biết.
3. Tuyến du lịch làng Biểng – Vũng Tròn – Khe Rỗ
Từ trung tâm Thị trấn An Châu (huyện Sơn Động), đi qua 15 km đường nhựa, là tới làng Biểng với các dân tộc Kinh, Tày, Dao và Hoa với bản sắc văn hóa và phong tục tập quán riêng biệt mà vẫn hoà đồng bao đời sống quần tụ gắn bó bên nhau. Họ sống chủ yếu bằng nghề thuần nông, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây hoa màu và canh tác nương bãi…Một số bà con, lúc nông nhàn thường tranh thủ vào rừng lấy cây dược liệu chế biến thuốc nam chữa bệnh theo bài thuốc gia truyền. Cảnh sắc rừng Khe Rỗ con rất nguyên sơ, ẩn chứa nhiều điều muốn khám phá, như đưa ta lạc vào coi thần tiên của những cánh rừng già rậm rập. Những dòng suối, thác nước, ghềnh đá chênh vênh, thắng cảnh thác Ba Tầng (Khe Đin), thác Đồng Dương( xã An Lạc) lung linh đẹp tựa như thác Bản Giốc thu nhỏ ở Trùng Khánh( Cao Bằng). Đặc biệt là những hồ Vũng Tròn có nước trong vắt giữa rừng, nơi bạn có thể bơi lội thỏa thích, nằm bên hồ là ngôi nhà sàn nép dưới bóng rừng cổ thụ soi mình in bóng nước. Du khách có thể nghỉ tại nhà sàn qua đêm để cảm nhận cảnh không gian huyền bí tĩnh mịch của núi rừng.Tham gia đi soi cá, cua và bắt ốc khe cùng những người dân bản địa…chắc chắn sẽ có ngay một bữa đêm ngon miệng để nhắm với thứ rượu men lá của bà con dân tộc, du khách dẫu một lần đặt chân đến nơi đây cảm giác lưu luyến mãi chẳng muốn về.
4. Tuyến Nước Vàng – Thác Giót (Lục Sơn - Lục Nam)
Từ ngã tư Thân, thị trấn Lục Nam(huyện Lục Nam), theo con đường tỉnh lộ 289, qua cầu Lục Nam khoảng 30 km, bạn đã đến với tuyến du lịch sinh thái thắng cảnh suối Nước Vàng - Thác Giót. Nơi đây có dòng suối rất lạ, từ ngàn đời mãi tuôn chảy miệt mài với dòng nước suộm vàng óng ánh mượt như mật ong rừng. Rừng Nước Vàng còn hoang sơ, sự giao hòa giữa địa chất và khí hậu tạo sức sống cho muôn loài động thực vật rừng nhiệt đới nơi đây phát triển rất phong phú. Bạn sẽ tới thăm 2 cây Trò nâu cổ thụ có tuổi đời gần 600 năm tuổi và ngắm nhìn dòng thác Giót cao tới vài chục mét, bốn mùa mãi tuôn chảy một làn nước như mưa bụi tựa dải yếm trắng mơ màng vắt trên đỉnh núi. Phía sau khu vực thác là bãi Đá Rạn cổ kính tự nhiên, bạt ngàn những phiến đá tự nhiên với đa dạng hình thù ngắm mãi mà không biết chán mắt. Đến với tuyến du lịch này, vào mùa hạt dẻ, bà con đem bày bán ở chợ Đồng Đỉnh dài tới hàng cây số, sản vật hạt dẻ Lục Nam có tiếng nhiều nơi trên thị trường biết đến, loại hạt Dẻ ăn vào vừa thơm, vừa bùi pha lẫn mùi ngậy béo, mùi hương vị dù ăn một lần thì khó lòng mà quên được.