Địa chỉ: Cách thành phố Bắc Kạn 24km về phía bắc, Huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn
Khu di tích lịch sử Đèo Giàng, nằm trên tuyến đường Quốc lộ số 3, đường đi Cao Bằng, di tích nằm giữa 2 huyện Ngân sơn và Bạch Thông, nơi đây trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc đó là trân tập kích trên đường quốc lộ 3.
Vào 9h sáng ngày 12/12/1947 tại Km số 187, 188 thuộc địa phận xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; nơi chủ yếu có đồng bào dân tộc Dao sinh sống, lúc đó 01 đoàn xe cơ giới của địch gồm 22 chiếc: xe tăng, xe thiết giáp, xe jip, chở lính lọt vào trận phục kích của Trung đoàn 165 (Trung đoàn thủ đô), trận địa phục kích là đoạn đường hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Ngay từ loạt đạn đầu tiên của bộ đội ta, 01 xe ô tô của địch bị phá hủy, nhiều tên địch bị tiêu diệt, sau đó quân ta dùng hỏa lực bắn vào đội hình của địch, bộ đội ta ào ạt xung phong tràn xuống đường để đánh giáp lá cà. Ta thắng lớn, tiêu diệt được 60 tên địch (trong đó có 2 tên trung úy), phá hủy và đốt 17 xe cơ giới, thu được 2 triệu đồng tiền Đông Dương và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng quan trọng.
Có thể nói, đây là trận đánh có quy mô lớn nhất so với các trận phục kích khác ở khu vực Đèo Giàng; từ trận đánh này, bộ đội ta rút được nhiều kinh nghiệm về chiến thuật phục kích cấp tiểu đoàn. Trận đánh này gắn liền với trận đánh công đồn Phủ Thông ngày 25/7/1948 đã gây tiếng vang lớn, tác động mạnh mẽ, cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh bại mọi âm mưu phá hoại của Thực dân Pháp tại Chiến khu Việt Bắc.
Từ trận đánh vang dội này, Đèo Giàng đã trở thành địa danh lịch sử gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch phản công Việt Bắc- Thu Đông năm 1947. Di tích lịch sử Đèo Giàng trở thành niềm tự hào của quân dân Bắc Kạn, của quân đội nhân dân Việt Nam.
Đèo Giàng và Phủ Thông, 2 địa danh kháng chiến nổi tiếng đã đi vào thơ ca cách mạng, trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu sáng tác năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi tại Chiến trường Điện Biên phủ, hoà bình được lập lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, cán bộ, bộ đội ta đã rời Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội. Trong không khí chia ly đầy nhớ thương, lưu luyến giữa nhân dân Việt Bắc và những người cán bộ cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Việt Bắc” tái hiện lịch sử kháng chiến và tình cảm của quân dân Việt Bắc. Trong đó có 02 câu thơ nói về địa danh lịch sử nổi tiếng của Bắc Kạn:
“Mình về mình có nhớ không
Ta về ta nhớ Phủ Thông, Đèo Giàng”
Với những ý nghĩa lịch sử đặc biệt của trận đánh Đèo Giàng. Năm 2001 Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) đã công nhận, xếp hạng di tích lịch sử Đèo Giàng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Di tích được xây dựng bên trái là bức phù điêu lớn tái hiện trận đánh Đèo Giàng, bên phải là tấm bia lưu niệm ghi lại lịch sử trận đánh. Ngày nay, di tích Đèo Giàng là nơi lý tưởng dừng chân cho khách tham quan và khách bộ hành dừng chân tận hưởng không khí trong lành trên đình đèo, chụp hình lưu niệm, cũng là nơi nhắc nhở các thế hệ trong thời bình về sự quyết tâm, hy sinh gian khổ của cha, anh ta cho hòa bình và độc lập tự do ngày hôm nay.