Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: Thôn Đẩu Hàn, Phường Hòa Long, Thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh

Đình Đẩu Hàn bình yên bên bờ sông Cầu, là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Cầu, làng Đẩu Hàn được bao bọc bởi sông nước và cánh đồng lúa màu quanh năm xanh tốt. Con sông Cầu không những mang nặng phù sa màu mỡ bồi đắp cho những xóm đôi bờ của nó, mà còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Bắc Ninh là một trong những cái nôi văn hóa của đồng bằng Bắc bộ. Vì vậy chẳng khó để hiểu tại sao làng nào, xã nào ở Bắc Ninh cũng có ít nhất một cái đình, cái đền hay chí ít là một cái miếu làng. Đình Đẩu Hàn nằm ven một con lộ nhỏ sát bờ Nam sông Cầu, thôn Đẩu Hàn, xã Hòa Phong, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh khoảng 6km về phía Đông Bắc. Theo thần phả và sắc phong, đây là nơi thờ của Thánh Tam Giang, người có công giúp Triệu Việt Vương đánh đuổi quân Lương cứu nước hồi thế kỷ VI. Tam Giang xuất phát từ tên gọi mà các triều đại Phong kiến Việt Nam phong cho hai ông: Tam Giang thượng đẳng thần. Nhưng cũng có người lại cho rằng “Tam Giang” bắt nguồn từ cách gọi chung của ba con sông là sông Cầu, sông Thương, sông Đuống – nơi có nhiều đền thờ hai ông. Nói về Đức Thánh Tam Giang, đây là danh xưng mà người dân Việt Nam gọi chung hai vị thánh hiển linh từ Trương Hống và Trương Hát. Trương Hống, Trương Hát sinh ra trong một gia đình gồm năm anh em, bốn trai, một gái.

Theo cuốn thần phả còn lưu giữ: Vào đêm rằm tháng Giêng năm 18 tuổi, Từ Nhan nằm chiêm bao thấy Thần Long quấn mình trên sông Lục Đầu, sau đó bà mang thai. Sau 14 tháng mang thai, bà lên chùa lễ phật trở về đến xứ Cửa Cữu làng Vân Mẫu thì trở dạ, sinh ra một bọc năm con. Từ Nhan hết lòng chăm lo các con ăn học. Anh em học đến đâu liền thông kinh sử đến đấy, ngày ngày chăm đọc binh thư, siêng rèn võ nghệ, nên đều là những người tinh thông văn võ. Năm 545 nhà Lương đem quân sang xâm lược Việt Nam. Lý Nam Đế ít quân, không cản được giặc phải trao quyền cho tướng Triệu Quang Phục, rồi mất tại miền núi động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ). Triệu Quang Phục đưa quân về đầm Dạ Trạch (Hưng Yên) đánh phục kích, đồng thời truyền hịch trong dân gian tìm người tài giỏi đánh giặc giúp nước. Nghe có hịch chiêu tài, anh em Trương Hống, Trương Hát bàn nhau xin lệnh thầy, dụng kế lập thân, về quê mộ quân để đi giúp nước. Hai ông dàn xếp trận địa làm cho quân Lương không sao chống cự nổi, đại bại rã rời. Triệu Quang Phục lên ngôi vua.

Sau này Lý Phật Tử (người họ Lý Nam Đế) bày mưu đoạt ngôi Triệu Quang Phục, lên ngôi vua tự xưng là Hậu Lý Nam Đế. Biết hai anh em Hống – Hát tài giỏi bèn cho người vời ra làm quan nhưng vì lòng trung với vua, hai ông quyết từ chối. Tức giận, Lý Phật tử lệnh truy bắt các ông khắp nơi. Để giữ trọn tấm lòng trung với vua các ông bàn nhau cùng đem gia quyến xuôi dòng sông Cầu, uống thuốc độc tự tử.

Đình Đẩu Hàn được xây dựng với quy mô rất lớn vào thời Lê Trung Hưng, đến thời Nguyễn được trùng tu và từ đó đến nay vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp của kiến trúc, điêu khắc “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy tinh xảo nghệ thuật.