Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: Làng tranh Đông Hồ, Xã Song Hồ, Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh

Du xuân là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, mỗi khi tết đến xuân về, cổ cây hoa lá như bừng lên sức sống mãnh liệt, đây cũng là mùa “ăn chơi”. Du lịch Bắc Ninh về với xứ Kinh Bắc, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống dân tộc, những đền chùa cổ kính, những lễ hội độc đáo.

Nếu hội Lim nổi tiếng với những liền anh liền chị khăn đóng áo dài, chiếc nón quai thao, tấm yếm lụa đào tình tứ trong câu hát ngọt ngào, đằm thắm thì lễ hội làng Đông Hồ với những bức tranh dân gian được nhiều du khách quan tâm.

Nhắc đến làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, người ta nhớ ngay đến nghề làm tranh dân gian truyền thống của làng. Làng Đông Hồ nằm ngay sát bờ sông Đuống, ngày xưa chỉ cách sông một con đê, đó là ý trong câu “Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. Ngày nay, do sự bồi lấp của dòng sông nên từ đê ra đến mép nước giờ khá xa. Hội làng Đông Hồ cũng có từ rất lâu đời, được tổ chức hàng năm. Cũng giống như các làng khác, hội làng Đông Hồ tế lễ, tưởng nhớ thành hoàng làng. Ngoài ra, hội làng còn giống ngày giỗ tỗ nghề làm trang ở làng. Tại lễ hội, các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, đàm đạo về nghề làm tranh.

Nghề tranh gắn bó với Đình làng, đó là một ngôi đình cổ kính, làm nơi thờ cúng Thành Hoàng làng, nhưng đáng chú ý hơn cả, ngôi đình tuy vẫn giữ vai trò mái nhà chung của cộng đồng làng xã, nhưng đã trở nên độc đáo vì nó gắn bó chặt chẽ với nghề sản xuất tranh. Do vậy, thường được gọi bằng cái tên đầy gợi cảm “Đình tranh” và được chính những nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ xây dựng ước chừng trên dưới ba trăm năm.

Ngôi Đình, nằm ở phía tây của làng Đông Hồ, ngoảnh nhìn về hướng bắc. Lúc đầu, đình có 7 gian bái đường và 2 gian hậu cung, hai dãy thảo xá ở hai bên tả hữu (mỗi dãy 5 gian). Năm 1950 ngôi đình bị giặc Pháp phá hủy. Hiện nay, Đình chỉ còn 5 gian bái đường, 2 gian hậu cung. Kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”.

Cổng đình, được xây theo lối “Tam Môn”, phía trên ba vòm cổng là các mái cong thanh thoát. Liền kề ngoài cổng đình là chiếc giếng hình bán nguyệt, xung quanh được xây gạch, bó bờ cao ráo và có bậc lên xuống rất thuận tiện. Cái triết lý âm – dương đối xứng mà hòa hợp, cái thú phong cảnh hữu tình của những người dân Đông Hồ – Nghệ sỹ có lẽ đã được thể hiện sinh động qua việc đưa chiếc giếng bán nguyệt vào tổng thể các công trình trong khu đình làng.

Trong Đình còn lưu giữ khá nhiều di vật quý như: Đồ thờ cúng, Hương án, Đại tự, hoành phi, Bộ bát bửu sơn son thiếp vàng lộng lẫy… Trên sân đình còn dựng hai tấm bia đá, văn bia ghi về những tiên hiền của làng, những người có nhiều công đức trong việc xây dựng đình làng… Đặc biệt, theo kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh, đây cũng là nơi diễn ra các phiên chợ tranh trong năm với những sản phẩm đa dạng, đầy màu sắc dân giã nhưng không kém phần hấp dẫn, độc đáo. Du khách về đây đều mua cho mình những bức tranh ưng ý làm kỷ niệm. Lễ hội của làng thường được tổ chức trong ba ngày 14, 15 và 16 tháng Ba âm lịch. Tại sân đình làng, những người phụ nữ mặc áo dài thực hiện một nghi thức của lễ hội. Tiến vào phía trong, một số du khách trầm trồ khi thấy những đồ mã có kích cỡ “khủng” là con ngựa và chiếc thuyền được đặt ở vị trí dễ quan sát. Trong đình, có khá nhiều đồ vàng mã, từ những vật phẩm được làm rất tinh xảo như cây vàng, cây bạc đến các đồ vàng mã thông dụng để cúng lễ.

Từ đầu tháng 3, người dân làng Đông Hồ bắt đầu làm những sản phẩm vàng mã để trưng bày tại lễ hội. Chuẩn bị cho lễ hội, mỗi dòng họ được phân công làm một vật phẩm. Quá trình làm vật phẩm là dịp để các dòng họ quây quần bên nhau, chia sẻ với nhau những điều thường nhật trong cuộc sống đến công việc làm ăn, buôn bán. Ngày xưa làng Đông Hồ có 17 dòng họ khác nhau cùng sinh sống và đều theo nghề làm tranh. Nhưng ngày nay, do tranh không tiêu thụ được, hầu hết các dòng họ đã chuyển sang làm hàng mã, chỉ còn số ít ra đình còn giữ ghề truyền thống. Trong ngày hội, người dân trưng bày và bán tranh dân gian Đông Hồ trong sân đình. Dựng một cầu bằng tranh trong đình tượng trưng cho sự giao lưu, hòa hợp. Hội làng cũng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ.

Làng còn có các làn điệu dân ca như: 

“Hỡi anh đi đường cái quan

Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu

Mua tờ tranh điệp tươi màu

Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều”

Có thể nói, hội thi mã ở đình tranh Đông Hồ là một sinh hoạt văn hóa dân gian hết sức độc đáo. Thông qua lễ hội, đã thể hiện được cả về nghi lễ tôn giáo và nghề nghiệp của một làng nghề, đồng thời là một bằng chứng sinh động về sự hình thành và phát triển lâu đời của nghề sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Giá trị đặc biệt của đình tranh càng được nhân lên là vì vậy.