Địa chỉ: Làng Đền, Xã Hoàng Tung, Huyện Hoà An, Cao Bằng
Đền Vua Lê cách trung tâm thành phố Cao Bằng 11km. Đền thờ Vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi Cao Hoàng Đế).
Đền Vua Lê dựng trên gò Long (tức gò rồng), một gò đất cao phía Bắc thành Na Lữ. Trong thành có 4 gò đất nổi lên được đặt tương ứng với 4 tên: Long, Ly, Quy, Phượng. Theo truyền thuyết và những tư liệu lịch sử ghi lại, Đền Vua Lê vốn là cung điện trong thành Na Lữ. Thành do Cao Biền xây dựng. Đến thế kỷ XI, Nùng Tồn Phúc (cha của Nùng Trí Cao), thủ lĩnh châu Quảng Nguyên tiếp tục xây dựng. Thời Lý Thái Tông niên hiệu Thông Thụy, năm thứ 6, tức năm 1039, Nùng Tồn Phúc tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng đế, đổi tên châu Quảng Nguyên làm nước Trường Sinh; rồi cho xây thành, xây cung điện tại Na Lữ. Tháng 3/1039, Nùng Tồn Phúc bị triều đình nhà Lý tiêu diệt.
Năm 1414, giặc Minh cai trị nước ta, ở Cao Bằng, chúng đặt quan Thái thú cho đóng quân ở gò Đống Lân, thành Na Lữ, bắt nhân dân đóng sưu thuế nặng, đàn áp và hà hiếp, cuộc sống của nhân dân vô cùng cực khổ. Trước tình hình đó, Bế Khắc Thiệu - một hào trưởng giàu có ở Cao Bằng đã chiêu quân đứng lên khởi nghĩa, đồng thời liên kết với Nông Đắc Thái tổ chức đánh giặc, đã giành được thắng lợi sau trận kịch chiến ở Nà Khuổi (tháng 9/1426). Bế Khắc Thiệu xưng là Bế Đại vương, phong cho Nông Đắc Thái là Nông Nguyên soái, đóng ở thành Na Lữ, cho quân tu sửa lập lại cung điện năm 1430.
Năm 1592, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, Mạc Kính Cung chiếm lấy thành Na Lữ lập cung điện. Sau ba đời sinh sống ở Cao Bằng, đến thời Mạc Kính Vũ bị quân Lê - Trịnh đánh bại. Nhà Mạc bỏ cung điện và thành Na Lữ chạy sang Trung Quốc.
Năm Chính Hòa thứ 3 đời Vua Lê Hy Tông, tức năm 1682, quan trấn thủ Cao Bằng là Lê Văn Hải đã tâu xin Vua Lê cho sửa chữa thành Na Lữ cũ làm đền thờ Vua Lê Thái Tổ (Đền Vua Lê hiện nay); lấy áo bào và thanh kiếm thờ ở chỗ ngai vàng.
Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đền vua Lê là một di tích lịch sử gắn liền với những hoạt động của Đảng trong thời kỳ vận động cách mạng dân tộc, dân chủ. Tại đây, năm 1936, đồng chí Hoàng Đình Giong đã đứng ra thành lập “Đoàn thanh niên phản đế”.
Kiến trúc đền Vua Lê
Đền xây theo kiểu hình chữ tam gồm 3 nhà, 7 gian, tường xây bằng gạch vồ, mái lợp ngói máng, cột kèo, hoành phi bằng gỗ. Xung quanh đền xây tường thành dài 600m, trước mặt đền có hai sân rộng khoảng 1.000m2. Đền là nơi tổ chức lễ hội, tập trung sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân trong vùng.
Hội đền Vua Lê được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Ngoài phần lễ được tiến hành ngay từ sáng sớm dưới sự có mặt đông đảo nhân dân trong vùng, phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người, đẩy gậy, kéo co… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đền Vua Lê là di tích có giá trị về mặt lịch sử, giáo dục truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược của nhân dân ta, đồng thời là di sản văn hóa có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật của dân tộc. Đây cũng là nơi khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa, niềm tự hào về trang sử truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc ta nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng.
Ngày 20/4/1995, đền Vua Lê được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.