Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: , Xã Tả Sìn Thàng, Huyện Tủa Chùa, Điện Biên

Cùng Phượt – Chợ phiên Tả Sìn Thàng họp vào ngày Tý và ngày Ngọ hàng tháng theo lịch âm. Sáu ngày họp một phiên, đây là nơi trao đổi, giao thương hàng hóa, nông sản của đồng bào các dân tộc thuộc 5 xã phía Bắc huyện Tủa Chùa (Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Sa Phình, Trung Thu, Sính Phình). Chợ phiên cũng là nơi thể hiện đậm nét màu sắc văn hóa các dân tộc vùng cao trong khu vực.

Chợ Tả Sìn Thàng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo của chợ phiên vùng cao, với trang phục rực rỡ của bà con dân tộc, các sản phẩm bày bán phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm của địa phương như hoa quả, rau măng, khoai, sắn, gạo, nấm hương, mộc nhĩ, măng rừng, cá suối, lợn, gà… Ngoài ra, còn có các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, các loại chỉ màu, phẩm nhuộm và các sản phẩm được làm từ thứ vải dệt rất bền và đẹp. Đó còn là các dãy hàng bán xôi nhiều màu đặc trưng của vùng đất này. Rồi mùi thơm của chảo thắng cố lúc nào cũng sôi sùng sục cuốn bạn về một góc chợ. Ăn thắng cố mà không uống rượu Mông Pê thì cũng như một cô gái xinh không có người ngắm. Rượu Mông Pê của bà con dân tộc được chưng cất từ hạt ngô ủ men bằng lá rừng nên rất thơm và ngon nổi tiếng.

Ngoài rượu Mông Pê, thịt dê và chè Shan Tuyết cũng là hai đặc sản nổi tiếng ở Tả Sìn Thàng. Ở vùng đất này hiện có gần 4.000 cây chè Shan Tuyết cổ thụ, đường kính có cây lớn phải vài người ôm như ở Sín Chải. Khí hậu mát mẻ quanh năm, cây chè Shan Tuyết sống nhờ sương núi nên chè ở đây được nước và có vị ngọt hậu.

Chợ phiên ngày xuân Tả Sìn Thàng hàng hoá tuy không nhiều nhưng rất đa dạng và phong phú. Ngoài những mặt hàng thương nghiệp đưa từ dưới xuôi lên, từ huyện lỵ vào phần lớn chủ yếu là các mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng thổ cẩm truyền thống của địa phương. Hàng nông sản bày bán ở chợ đều là tươi non và hấp dẫn; hoa quả, rau xanh, hạt gạo, củ khoai, củ sắn, chè búp sao tay, nấm hương, hạt dẻ, măng rừng, cá suối, thịt lợn, con gà, mật ong… đều do người dân trong vùng tự làm ra để dùng, sử dụng không hết mới đem đi chợ bán.

Nơi vùng cao núi đá nhiều hơn nương ngô ruộng lúa, quang năm mây mờ bao phủ nên hương vị của các mặt hàng nông sản do người dân làm ra rất đậm dấu ấn của núi rừng. Hàng hoá của người dân được bày bán dọc theo các lối đi trong chợ, toàn những hàng tươi nguyên và đủ chủng loại; từ những cây rau tươi tốt gieo trong rừng toàn núi đá, chè cây cao xoa tay xoắn tít, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương đều thu hái từ rừng, từng tảng thịt to, dày rất ngon và chắc; mật ong vàng óng, đặc sánh đựng trong chai dốc ngược không đổ; rượu Mông Pê chưng cất từ hạt ngô ủ men bằng lá rừng nên rất thơm và nổi tiếng là rượu ngon, uống vào ngấm từ từ rất êm chứ không say, không chóng mặt hay nhức đầu như loại mem hoá học khác. Người dân vùng cao vốn rất thật thà, họ ít khi mặc cả, thích bán là bán, thích mua là mua chứ không kỳ kèo bớt một thêm hai.