Địa chỉ: Khu phố 8, Phường Đô Vinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận
Trên lộ trình đường sắt Bắc Nam, lại nằm sát quốc lộ 27A đi Đà Lạt, cách trung tâm Phan Rang - Tháp Chàm 07 km về phía Tây là quần thể tháp Chàm nằm trọn vẹn trên ngọn đồi có tên là Đồi Trầu, thuộc khu phố 8, phường Đô Vinh. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ XIII để thờ vị vua Chăm trị vì xứ Panduranga (Ninh Thuận ngày nay); ông có tên là Pô Klông Garai (1151 - 1205); hiện nay cụm tháp còn nguyên vẹn về cả công trình kiến trúc lẫn việc tổ chức thờ phượng, cúng kính của người Chăm.
Tháp Pô Klông Garai là một quần thể gồm 3 ngôi tháp: tháp chính thờ tượng vua Pô Klông Garai, tháp cổng ở phía Đông và tháp Thần Lửa chếch phía Nam có mái hình thuyền. Quần thể tháp được bao bởi một khung tường thành vuông góc ở 2 mặt Đông và Nam. Đây là một công trình thờ phượng song có giá trị nghệ thuật kiến trúc xây dựng và điêu khắc các phù điêu như Thần Siva, tượng Bò Thần Nandin, tượng vua... đạt mức hoàn mỹ. Chính vì thế công trình đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia vào năm 1979.
Tháp chính cao 20m50, nhiều tầng, tầng trên là sự lập lại tầng dưới thu nhỏù cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga. Ở các góc tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung. Tháp gồm một cửa chính ra vào ở hướng Đông, trên cửa là mái vòm, có 2 trụ đá lớn đỡ, mặt trụ đá khắc chữ Chăm cổ, bên trên cửa có phù điêu thần Siva múa, có 6 tay; ba cửa còn lại ở 3 hướng Nam, Bắc, Tây là cửa giả, trụ ốp gạch lồi, lõm vào trong trên mỗi cửa giả có một tượng thần tư thế thiền.
Từ cửa vào, bên trái có một tượng bò thần Nandin bằng đá, đầu hướng vào trong tháp. Vào trong tháp, có một Yoni cạnh dài 1m47, cạnh ngang 0m94, trên Yoni là một Linga tròn, phía trên trụ Linga có chạm khắc chân dung vua Pô Klông Girai. Phía ngoài có một sảnh nối sân để cúng tế bằng một tầng cấp.
Thẳng về phía Đông là tháp cổng, cao 8m56, có 2 cửa thông nhau theo hướng Đông - Tây nên gọi là tháp cổng. Tháp cũng được xây theo nguyên tắc lên dần thu nhỏ.
Phía Nam giữa hai tháp trên là tháp thờ Thần Lửa, cao 9m31. Tháp có 3 cửa thông nhau 3 hướng Đông, Bắc và Nam, riêng phía Nam là cửa sổ. Chức năng tháp để các tu sĩ Bàlamôn, các thầy cúng bày các vật tế lễ và giữ ngọn lửa tế nên người Chăm gọi là Tháp Lửa. Điều đặc biệt là cấu trúc tháp xây mái theo kiểu hình mái nhà (hình giống mái nhà prông ở Tây Nguyên hoặc mái nhà hình thuyền như mặt trên trống đồng).
Ở phía sau tháp chính có 1 miếu thờ tượng Kút hoàng hậu, trong sử ghi tên là Tố Lý. Ở ngoài vòng thành phía Nam quần thể tháp có 1 trụ đá (Linga) cao 2m20. Cũng nằm ngoài vòng thành phía Đông Bắc quần thể tháp có 1 tảng đá bánh ú 3 mặt có chữ có khắc chữ Chăm cổ.
Hằng năm vào ngày cuối tháng 6, ngày 1 tháng 7 tính theo lịch Chăm, (khoảng tháng 9, 10 Dương lịch), đúng ngày lễ hội Katê, hàng ngàn người Chăm tổ chức cúng tại 3 tháp Pô klông garai, Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgar một cách trang trọng. Trong lễ này, các tu sĩ Bàlamôn giáo và đông đúc nhân dân sẽ tiến hành các lễ rước trang phục vua Pô Klông Girai, cúng vua Pô Rômê và nữ thần Pô Inư Nưgar từ ngôi làng cách đó 6 km lên tháp, làm lễ tắm tượng, mặc trang phục cho tượng vua. Cũng chính trong sáng ngày 1 tháng 7, một nghi thức múa nghi lễ và tấu nhạc dân gian do người Chăm diễn ngay trước tháp để dâng lên vua. Bấy giờ chung quanh tháp là cả ngàn mâm lễ vật hoa quả, bánh trái, thịt gà, dê, rượu, trầu cau của các chủ gia đình người Chăm đang dâng cúng lên cho Thánh Thần, vua và hoàng hậu... cầu cho hạnh phúc, quốc thái dân an.