Địa chỉ: thôn 1, Xã Đức Chánh, Huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi
Di tích Địa điểm Chiến thắng Mỏ Cày thuộc thôn 1, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi khoảng 15 km về hướng Nam, cách huyện lỵ Mộ Đức 6km về hướng Bắc.
Khách tham quan có thể sử dụng các phương tiện ô tô, mô tô đi từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi theo quốc lộ 1A vào phía Nam khoảng 15km là đến di tích.
Trận đánh diễn ra trên đoạn đường Mỏ Cày dài 1km thuộc quốc lộ 1A. Phía Tây đường là các cánh đồng Gò Dúi, Phước Lai và Văn Thánh. Phía đông đường là đồng ruộng Tổng Giang thuộc thôn 1, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức. Ruộng lúa lúc bấy giờ đã gặt xong, nổi lên nhiều bờ ruộng, mương máng rất thuận lợi cho việc ém quân và vận động phục kích tiến công tiêu diệt địch.
Trải qua thời gian thì giờ đây những chiến tích gốc của trận đánh Mỏ Cày gần như không còn nữa, ngay cả địa hình, địa mạo và cảnh quan thiên nhiên của trận đánh năm xưa đã bị thay đổi theo thời gian, chỉ còn lại địa điểm liên quan đến trận đánh này.
Do địa điểm di tích Địa điểm Chiến thắng Mỏ Cày trải rộng trên đường quốc lộ 1A dài 1000m, rộng 60m và đồng ruộng nên khu vực bảo vệ phải được phân định theo điểm di tích tiêu biểu có liên quan đến trận đánh. Điểm di tích này được xác định là các thửa ruộng ở phía Tây đường Quốc lộ có tổng diện tích là 2885m2. Năm 1994, khoảnh ruộng có diện tích 2.885m2 nói trên đã được san lấp mặt bằng để xây dựng khuôn viên và tượng đài chiến thắng Mỏ Cày.
Khuôn viên di tích gồm các hạng mục: cổng, tường bao, sân, đường đi, hệ thống điện chiếu sáng, nơi trồng hoa và cây cảnh. Tượng đài được xây dựng giữa khuôn viên. Cấu trúc tượng đài là bê tông cốt thép thể hiện một nhân vật trong tư thế đứng cầm dao giơ lên cao, mặt hướng về phía đường quốc lộ. Đến năm 2008 tượng đài được xây dựng mới bằng đá Granit, cao khoảng 12,75m trong đó phần đế tượng cao 2,75m còn cụm tượng cao khoảng 10m. Cụm tượng thể hiện hai nhân vật cầm súng, một nhân vật cầm gậy, mang ý nghĩa khái quát hóa: chiến thắng Mỏ Cày được làm nên bởi sự hợp đồng tác chiến của Đội du kích Ba Tơ với lực lượng du kích và nhân dân địa phương. Phần bệ tượng có trang trí phù điêu thể hiện đề tài khói lửa và vầng mây, biểu tượng của chiến thắng và hòa bình.
Tượng đài chiến thắng Mỏ Cày là một công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử, ghi dấu chiến công xuất sắc của đội du kích Ba Tơ bằng hình thức kiến trúc điêu khắc hoành tráng kết hợp với vườn hoa tạo được sự hài hòa của hình khối kiến trúc với cảnh quan chung quanh.
Trận Mỏ Cày giành thắng lợi của Đội du kích Ba Tơ đã để lại nhiều kinh nghiệm quý trong việc vận dụng linh hoạt chiến thuật vận động phục kích đánh địch trên tuyến giao thông quốc lộ 1A đạt hiệu suất chiến đấu cao diệt nhiều sinh lực địch. Bài học kinh nghiệm này đã được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, ngày 07/6/1966 tiểu đoàn 48, lực lượng vũ trang tỉnh đã anh dũng chặn đánh tiểu đoàn 3, thuộc trung đoàn 4 ngụy diệt 408 tên, có 2 tên Mỹ, bắn cháy và bắn hỏng 18 xe, thu 267 súng các loại. Từ đây, Mỏ Cày trở thành địa danh ghi dấu chiến công đánh Nhật và đánh Mỹ Ngụy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Di tích Địa điểm Chiến thắng Mỏ Cày là nơi ghi dấu chiến công và tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta trong kháng chiến chống phát xít Nhật, là nơi giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc trong nhân dân nhất là thế hệ trẻ.