Địa chỉ: Bản Mển , Xã Thanh Nưa, Huyện Điện Biên, Điện Biên
Nằm nép mình giữa bạt ngàn núi đồi và ruộng nương, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Từ TP. Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 khoảng 6km về phía bắc, du khách sẽ đến bản Mển. Nhìn từ xa, bản Mển đẹp như một bức tranh với lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Nổi bật trên nền xanh của cây cối và bầu trời là những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái đen. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi khung cảnh tuyệt đẹp, bản Mển còn có không khí trong lành, mát mẻ và môi trường xanh, sạch và đẹp.
Bản có hơn 110 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, đều là người dân tộc Thái đen. Đồng bào Thái đen ở đây sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi và dệt, thêu thổ cẩm truyền thống.
Những năm vừa qua, dân bản đã chung tay phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nếp sống văn minh, ăn sạch, ở sạch, uống sạch. Nhờ đi đúng hướng trong việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững nên bản Mển không những đã trở thành điểm du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài nước mà còn bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có nghề dệt, thêu thổ cẩm. Nếu như trước đây, phụ nữ trong bản dệt, thêu thổ cẩm chỉ để cho gia đình dùng, thì nay còn phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm thổ cẩm của bản thường là những tấm vải, chiếc khăn piêu hay chiếc túi với dòng chữ thêu "Thổ cẩm bản Mển kỷ niệm" nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của bản tới du khách.
Cùng với nghề dệt, thêu thổ cẩm, người Thái đen ở đây vẫn còn lưu giữ những kiến trúc nhà sàn truyền thống…, hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất hàng ngày.
Nhà sàn thường được dựng ở vị trí lưng tựa vào đồi, núi; mặt quay ra sông, suối hoặc cánh đồng theo nguyên lý “sơn chầu thủy tụ”. Nhà được làm bằng gỗ tốt, bương, tre hoặc vầu, có bốn mái lợp ngói, trong đó hai mái ở hai đầu hồi nhà được kiến trúc vòm khum mai rùa. Đặc biệt, ở hai đầu đòn nóc nhà có hai thanh gỗ bắt chéo nhau hình chữ X gọi là “khau cút” với nhiều hoa văn trang trí hình búp cây guột, hình vầng trăng khuyết… để vừa chắn gió cho mái nhà vừa thể hiện tín ngưỡng thờ thần mặt trăng, thờ trâu của người Thái đen. Nhà sàn có hai tầng. Tầng trên dành cho các sinh hoạt của gia đình chủ nhà và tiếp khách, tầng dưới là nơi để khung dệt, nông cụ sản xuất, gỗ, củi... Nhằm đảm bảo nhà sàn đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, dân bản đã đầu tư xây mới thêm một số công trình như: nhà vệ sinh, bể nước cùng một nhà sàn văn hóa có kiến trúc giống nhà sàn truyền thống để phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, để tạo ấn tượng với du khách, bản Mển còn lập một tổ ẩm thực gồm 10 người có kinh nghiệm trong chế biến ẩm thực và một đội văn nghệ gồm 15 người có giọng hát hay, truyền cảm, múa đẹp.
Đến với bản Mển, ngoài dịp chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đặc trưng vùng Tây Bắc, du khách còn có cơ hội trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày cùng dân bản như: chế biến các món ẩm thực truyền thống (rượu cần, cơm lam, cá suối nướng, măng đắng, thịt trâu luộc chấm chẩm chéo); chăm sóc gia súc, gia cầm; lên rừng lấy củi; xuống suối bắt cá; dệt, thêu thổ cẩm hay tham gia các hoạt động văn nghệ (hát dân ca Thái, múa xòe, múa quạt, nhảy sạp, thổi sáo pí pặp, pí ỏ).
Với những nỗ lực không ngừng, bản Mển liên tục đạt danh hiệu bản văn hoá cấp tỉnh, đồng thời là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, xứng đáng là bản du lịch cộng đồng tiêu biểu trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hoá của tỉnh Điện Biên.