Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: Thôn 1, Xã Tiên Cảnh, Huyện Tiên Phước, Quảng Nam
Là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, thuộc thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 35 km về phía tây.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, quê làng Thạnh Bình - Tiên Phước, là một người thông minh học giỏi, một chí sĩ yêu nước. Đỗ Tiến sĩ năm 1904, đến năm 1908, cụ Huỳnh đứng đầu phong trào Duy Tân ở miền Trung, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo . Năm 1927 sau khi ra tù,cụ Huỳnh thành lập tờ báo Tiếng Dân nhằm tuyên truyền đấu tranh yêu nước. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cụ Huỳnh được Bác Hồ mời ra làm Bộ Trưởng Bộ Nội vụ rồi có thời gian giữ chức quyền Chủ tịch nước. Năm 1947, cụ Huỳnh mất tại Quảng Ngãi khi đi kinh lý Miền Trung.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng là ngôi nhà cũ tọa lạc trong khu vườn rộng có diện tích gần 4.000m2 do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869, theo lối kiến trúc rất phổ biến dưới thời nhà Nguyễn. Ngôi nhà gồm 3 gian, mái ngói, khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo. Tổng thể kiến trúc bên trong mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn với các trính lượn cong, trên trính có các trỏng quả kê trên con đội chạm hình đầu lân. Một căn bếp được xây dựng kề với nhà trên và được nối bởi một cửa bên hông. Bên trái và bên phải nhà được ngăn nhô ra phía trước. Bên phải là phòng ăn chung cả gia đình. Phía trái có ngăn phòng lồi là nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng làm việc. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, quanh bàn thờ có chạm khắc hoa văn cách điệu hình con dơi ngậm chuỗi vòng và một đôi rồng bằng gỗ mít. Chính giữa bàn thờ đặt mục chủ (đề tên các ông bà, thân nhân của cụ Huỳnh đã qua đời). Phía trước là mục thấp hơn, hiện thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hiện trong ngôi nhà vẫn còn bảo tồn được không gian làm việc khi xưa của cụ Huỳnh cùng những vật dụng sinh thời cụ Huỳnh hay dùng trong đó có cả chiếc áo cụ Huỳnh mặc khi tham gia chính phủ năm 1946….

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đến nay đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, đây không chỉ là di tích cấp quốc gia, mà còn là một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ tìm về nhận diện truyền thống, tiếp nối chí hướng cha ông.