Địa chỉ: , Xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh, Tây Ninh
Vị trí: Xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 110km về phía tây bắc.
Đặc điểm: Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Đông Nam bộ và có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng hệ thống hang động, chùa chiền cổ kính.
Núi Bà Đen còn có tên gọi khác là núi Vân Sơn do ngọn núi quanh năm có mây bao phủ. Núi Bà Đen gắn với truyền thuyết về một người con gái nhan sắc mặn mà, có nước da bánh mật tên là Lý Thị Thiên Hương. Người yêu cô là Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (tức huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày nay), có tài cao, chí lớn, nên đã lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước.
Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, cô theo gót đoàn hành hương lên núi Một lễ Phật, cầu cho đất nước được thanh bình để người yêu sớm trở về thì bị bọn quan quân Tuần Phủ vây bắt và có ý định hãm hại. Cùng đường túng thế, cô đã gieo mình xuống núi tuẫn tiết để giữ tấm lòng chung thủy với người yêu. Đêm hôm ấy, cô đã về báo mộng cho nhà sư trụ trì ngôi chùa trên núi để đưa thi thể cô về an táng. Sau khi chết, cô rất hiển linh, luôn phù hộ độ trì cho thiện tín mười phương nên được nhân dân quanh vùng lập điện thờ trên núi. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, tưởng nhớ đến chuyện lúc lên núi được Bà mách bảo nơi ẩn náu và thoát nạn nên đã sắc phong cho Bà là Linh Sơn Thánh Mẫu và tạc tượng Bà bằng đồng đen để nhân dân chiêm bái, phụng thờ. Từ đó, núi Một có tên gọi là núi Bà Đen.
Quần thể danh thắng núi Bà Đen trải rộng trên diện tích khoảng 24km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Với độ cao 986m, nhìn từ xa, núi Bà Ðen như một chiếc nón úp trên đồng bằng. Để lên đến đỉnh núi, du khách có thể đi bằng nhiều cách như: đi bộ, đi cáp treo (tuyến cáp dài 1.200m) hoặc sử dụng hệ thống máng trượt. Máng trượt ở núi Bà Đen là một hệ thống khép kín, gồm hai tuyến: tuyến kéo (tuyến lên) dài 1.190m và tuyến trượt (tuyến xuống) dài 1.700m.
Nằm rải rác từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen là một quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp... phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và Điện Bà, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng. Chùa Bà Đen được trùng tu và khởi dựng lại vào năm 1997. Đặc biệt, chùa còn giữ hai cột đá xanh được tạc thời Tổ Tâm Hòa (1919) ở tiền đường, mỗi cột cao 4,5m, đuờng kính 0,45m, chạm hình rồng uốn lượn rất đẹp. Bên cạnh chùa là Điện Bà được xây dựng dựa vào thế núi từ một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành am động. Vòm mái của Điện Bà cao 2,5m và gian nhà thờ nhân tạo phía trước dài 8m.
Ngoài ra, trên núi còn có một số ngôi chùa khác như: chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn An Phước tự), chùa Hạ, chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự), chùa Vân Sơn. Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà, hang Gió... Dưới chân núi là Khu Du lịch Văn hóa núi Bà với nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ.
Do giữ một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1947 – 1975), núi Bà Đen đã từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện nay, tại đây có 3 địa điểm trưng bày một số hiện vật và hình ảnh về các cán bộ, chiến sĩ quân Giải phóng, đó là động Kim Quang, khu chùa Hang và bảo tàng dưới chân núi.
Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về, nhất là ngày Rằm tháng Giêng, du khách trong và ngoài tỉnh lại tụ hội về khu vực núi Bà Đen để hành hương, lễ bái và tham quan du lịch.
Ngày 21/01/1989, núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia.