Địa chỉ: , Xã Thiên Lộc, Huyện Can Lộc, Hà Tĩnh
Chùa Hương Tích nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, là một danh lam cổ tự được xếp hạng di tích cấp quốc gia và là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, hàng năm thu hút hơn 15 vạn lượt du khách thập phương đến chiêm bái và lễ phật.
Hương Tích tự làm đắm say lòng người không chỉ bởi cảnh đẹp hiếm có mà nơi đây còn thu hút nhiều du khách bởi đây là cõi Phật linh thiêng gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện tu hành hóa Phật. Truyền thuyết kể lại rằng: “Khoảng 500 năm trước Công Nguyên, vua Trang Vương nước Sở (bên Tàu) sinh hạ được ba người con gái. Khi trưởng thành, hai chị theo ý vua cha lấy chồng làm quan trong triều. Đến lượt công chúa út Diệu Thiện, vua ép gả cho viên quan võ, là một kẻ độc ác, hung tàn. Nàng phẫn chí và tìm đến cửa phật tu hành, viên quan võ đã phóng hỏa đốt chùa nhưng Diệu Thiện và các tăng ni được Phật che chở và cứu thoát. Đi dọc về hướng nam, Diệu Thiện dừng chân ở động Hương Tích, núi Thíu Lĩnh (tức Hồng Lĩnh) đất Việt Thường dựng am tu hành và nổi tiếng là vị sư cô từ bi bác ái. Giữa lúc đó, Sở Trang Vương lâm trọng bệnh, thầy thuốc khuyên phải có tròng mắt và bàn tay của một người con gái tự nguyện hiến dâng mới cứu được. Khi nghe chuyện, Diệu Thiện đã rủ lòng từ bi hỉ xả cứu vớt chúng sinh, móc mắt và cắt bàn tay của mình đưa cho sứ giả về cứu cha. Trang Vương khỏi bệnh, sai người đến trả ơn mới biết đó là con gái mình. Đức Phật cảm động về tấm lòng của Diệu Thiện nên đã hóa phép cho mắt nàng sáng lại, tay mọc lại như cũ. Diệu Thiện đã tu hành đắc đạo và hóa thành Phật Quan Âm ngàn mắt ngàn tay”.
Theo sử sách ghi lại cũng như qua nghiên cứu khai quật khảo cổ học và ý kiến một số học giả thì chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh là chùa gốc, xây dựng từ đời nhà Trần, thế kỷ XIII và chùa Hương ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) là một “phiên bản” đầy ý nghĩa. Theo sách Hương Sơn Thiên Trù Thiền Phả, một vị hòa thượng được lệnh của Chúa Trịnh xác định địa điểm và cho xây dựng chùa Hương ở Hà Nội từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1704). Lý giải vấn đề này, ông Bùi Văn Nguyên - nguyên Tổng thư ký Hội VNDG Việt Nam cho rằng vào thời Lê - Trịnh, các vua Lê - Chúa Trịnh phần lớn có quê ở xứ Thanh (sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Gia Văn Phái) nên các phi tần, mỹ nữ đa số được tuyển chọn ở miền Hoan Châu. Hằng năm, các cung tần, mỹ nữ xứ Thanh - Nghệ thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18/2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ). Mỗi lần những “người đẹp” đi xa như vậy khiến Chúa Trịnh rất phân vân, do đó Chúa cho xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Sơn Bình để xây chùa Hương Tích thứ hai thờ vọng, để các “người đẹp” đi trẩy hội gần hơn. Như vậy, nhờ sáng kiến của Chúa Trịnh nên Việt Nam có tới hai chùa Hương Tích.
Cảnh trí và kiến trúc chùa Hương Tích từng được ghi lại ở thế kỷ XVII-XIX không còn nguyên vẹn như xưa vì ở đây đã nhiều lần bị hỏa hoạn. Năm Ất Dậu (1885), chùa bị cháy, đến năm Tân Sửu (1901), Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đứng ra kêu gọi nhân dân xây dựng lại chùa. Năm 2003, chùa tiếp tục được trùng tu, xây dựng lại trên nền cũ cao, vững chãi hơn.
Quần thể di tích chùa Hương Tích bao gồm nhiều hạng mục. Từ dưới chân núi lên tới chùa chính có khoảng cách gần 3km, trên hành trình lên cõi phật, du khách sẽ đi qua nhiều điểm di tích như Hồ nhà Đường, Miếu Cô, Bãi chợ trời, Tam bảo tiền đường, Am Diệu Thiện và Nền Trang Vương...
Miếu Cô là nơi công chúa Diệu Thiện đã từng qua đây, nàng thấy những tảng đá bằng phẳng nên ngồi nghỉ chân để thưởng ngoạn cảnh sắc. Người đời sau đã lập miếu để thờ nàng. Bên cạnh miếu có dòng suối tên là Hương Tuyền, nước trong xanh bốn mùa. Du khách lên chùa thường dừng chân ở đây nghỉ ngơi, rửa tay bên dòng suối để trút bỏ bụi trần trước khi hành lễ. Từ Miếu Cô đến chùa dài khoảng 900m. Trước đây, du khách tới tham quan sẽ phải tiếp tục hành trình bằng đường bộ, nhưng kể từ năm 2012, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh đã xây dựng hệ thống cáp treo nhằm phục vụ khách du lịch. Tuyến cáp treo bắt đầu từ Ga Miếu Cô và kết thúc tại Ga Hương Tích với thời gian di chuyển mất khoảng 4 phút giúp cho việc lễ chùa được thuận tiện hơn.
Dừng cáp treo, qua khu vực Bãi chợ trời, chỉ di chuyển thêm vài bước chân, du khách sẽ đến với khu vực chính của chùa đó là Chùa Thượng hay còn gọi là Tam Bảo - Tiền Đường. Cũng như các điện thờ khác của quần thể Hương Tích tự, Chùa Thượng đầu tiên được xây dựng ở động Trang Vương phía trên nhưng do nhiều lần bị hỏa hoạn nên chùa đã được dời xuống đặt tại lưng chừng ngọn Hương Tích. Chùa được xây dựng theo hướng Bắc - Nam gồm 2 gian. Gian phía trong để thờ Phật, gồm các tượng Phật bằng gỗ. Gian ngoài để những đồ tế khí và là nơi các thầy lễ bái và tụng kinh niệm Phật. Trong Tam Bảo có 54 pho tượng bằng gỗ quý, được tác tạo từ thời Trần - Lê - Nguyễn, các lớp tượng được trình bày có hàng, có thứ và có nhiều bức hoành phi câu đối.
Từ phía sau Chùa đi lên khoảng 28 bậc đá là đến động Hương Tích còn gọi là Am Quan Âm, Am Phật Bà. Toàn bộ còn nguyên sơ theo kết cấu cũ. Phía trong động đá hang sâu có tượng phật bà Quan Thế Âm ngồi tọa trên ngự sen và một số tượng mẹ bế con cầm cành liễu… Nhân dân xem Am Phật Bà là nơi thiêng liêng và chính tại nơi này công chúa Diệu Thiện đã tu hành hóa phật.
Cách chùa 500m là nền đá cũ, nhân dân thường gọi nền Trang Vương. Khi được Diệu Thiện dâng mắt và tay để làm thuốc thì bệnh của Sở Trang Vương lành hẳn. Sau này nhà vua đã cho xây dựng chùa Ngàn Hống để bái tạ trời đất, thờ Phật Quan Âm ngàn tay ngàn mắt và cũng để tỏ lòng cảm ơn người con gái út hiền thảo ngay tại đây. Hiện nay, nền Trang Vương chỉ còn một số dấu tích như nền đá, gạch vỡ bị chìm lấp dưới cỏ tranh và lau lách. Cảnh trí ở đây mát mẻ, thanh tĩnh, về mùa Thu, nền Trang Vương và chùa Hương Tích bồng bềnh trong sương, mờ mờ ảo ảo như cõi hư vô.
Đến với chùa Hương Tích, đặc biệt là vào mùa lễ hội, du khách sẽ cảm nhận được không khí:
“Tháng hai lộc biếc xanh rờn
Em về lễ hội chùa Hương anh chờ
Đất trời Can Lộc nên thơ
Đường lên hương khói xa mờ thinh không”
(Duy Thảo)
Lễ hội chùa Hương Tích được bắt đầu từ sau tết Nguyên Đán kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch. Hội chính được tổ chức vào ngày 18/2 âm lịch hàng năm, là ngày công chúa Diệu Thiện hóa Phật. Lễ hội đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa nói chung và du khách phật tử gần xa nói riêng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống được tổ chức quy mô và hấp dẫn.