Địa chỉ: , Xã Sơn Trung, Huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Đại danh y của dân tộc, tác giả của bộ sách “Y tông tâm lĩnh” vô cùng quý giá đối với nền y học Việt Nam. Khu di tích ở huyện Hương Sơn, trải dài trên một cung đường gần 8km, bao gồm khu mộ, tượng đài, nhà thờ Lê Hữu Trác, chùa Tượng Sơn và khu du lịch sinh thái Hải Thượng. Đây là địa chỉ tham quan hấp dẫn, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc của nhân dân địa phương cũng như cả nước.
Lê Hữu Trác tên thật là Lê Hữu Huân, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1720 (?) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông là con thứ bảy của ông Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thưởng nên ông còn được gọi với cái tên Cậu Chiêu Bảy. Dòng họ của Lê Hữu Trác có truyền thống khoa bảng, ông nội, bác, chú, anh và em họ đều đỗ tiến sĩ, làm quan to. Cha Lê Hữu Trác đỗ đệ tam giáp tiến sĩ làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức ngự sử, tước bá, khi mất được truy tặng Thượng thư.
Năm Kỷ Mùi (1739), Lê Hữu Trác 20 tuổi thì cha qua đời, ông rời kinh thành về nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, thi vào tam trường, sau đó không thi nữa. Năm 1739 cũng là năm mở ra quy mô lớn của phong trào nông dân nổi dậy chống phong kiến, chỉ một năm sau (1740) nghĩa quân của Hoàng Công Chất đánh sát huyện ông. Chàng thư sinh trẻ tuổi Lê Hữu Trác đang mê mải đèn sách phải lánh đi nơi khác đọc sách. Từ đó, ông vừa dùi mài kinh sử vừa nghiên cứu binh thư. Chiến tranh phong kiến đã gây đau thương chết chóc cho biết bao nhiêu gia đình làng xóm, nó không đem lại gì cho nhân dân, cho đất nước; đã làm cho Lê Hữu Trác chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên ông đã nhiều lần từ chối sự đề bạt của tướng nhà Trịnh. Cũng trong thời gian này, bà Bùi Thị Thưởng đưa mấy người con của mình về quê ngoại Hương Sơn sinh sống. Năm 1746, khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ để xin ra khỏi quân đội, thực sự "bẻ tên cởi giáp" theo đuổi chí hướng mới. Kể từ đó, ông sống tại quê mẹ ở Tình Diệm xưa (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho đến năm Tân Hợi 1791, ông qua đời, thọ 71 tuổi.
Hải Thượng Lãn Ông là bậc đại danh y không chỉ giỏi về y thuật, nhân thuật, mà còn là nhà tư tưởng, nhà khoa học lớn, nhà giáo dục, nhà văn bậc thầy của dân tộc Việt Nam. Ông luôn tìm tòi nghiên cứu, chữa bệnh, làm thơ và là tác giả của nhiều bộ sách lớn có giá trị như: Hải Thượng y tông tâm lĩnh, Thượng kinh ký sự... Ông đã có công sưu tầm, bổ sung nhiều phương thuốc có giá trị còn lưu truyền trong dân gian và để lại cho muôn đời sau. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho muôn đời các thế hệ thầy thuốc Việt Nam noi theo.
Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thuộc thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh, trải dài trên một cung đường gần 8km, bao gồm khu mộ cùng tượng đài của Đại danh y ở xã Sơn Trung, chùa Tượng Sơn ở xã Sơn Giang và Khu nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông ở xã Sơn Quang. Khu di tích là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa quan trọng gắn liền với Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Truyền thuyết kể rằng, sinh thời ông thường thả diều trên đỉnh núi Giả và hồ Sen, trước khi ông mất, ông dặn dò con cháu diều rơi ở đâu thì mai táng ông ở đó. Vị trí diều rơi chính là nơi mộ ông bây giờ, nằm ở dãy núi Cánh Diều dưới chân núi Minh Tự, xã Sơn Trung. Ngôi mộ nằm ở vùng đất gần chân núi có độ dốc 30o, đầu hướng lên đỉnh cao nhất của dãy núi Minh Tự, chân mộ chiếu thẳng vào dãy núi Trường Sơn. Cách chân mộ 0,6m về phía Tây Nam có trồng một khóm trúc nhỏ vừa có mục đích là làm dấu khi diều rơi xuống, vừa thể hiện khí chất ngay thẳng, thanh cao của Lê Hữu Trác. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống toàn cảnh nơi đây như một bức tranh thủy mặc, bên phải có khe Nước Cắn chảy rì rào, trước mặt có dòng sông Ngàn Phố trong xanh hiền hòa và một vùng đồi núi, làng mạc nên thơ.
Tượng đài Lê Hữu Trác nằm trên núi cao, được dựng với hơn 1.600 tấn đá cẩm thạch. Khu tượng đài có dòng chữ “Đức - Lưu - Quang” khắc trên tảng đá nguyên khối nặng hơn 17 tấn. Phía sau tượng đài có 2 bức phù điêu khắc ghi những lời răn dạy của Đại danh y về y đức, y thuật.