Địa chỉ: Nguyễn Trãi, Phường Tân Quang, Thành phố Tuyên Quang, Tuyên Quang
Chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) lâu nay là niềm tự hào của người xứ Tuyên. Bởi chợ Tam Cờ không chỉ là khu trung tâm thương mại mà đến đây, người ta còn cảm được cái sâu lắng trong văn hóa xứ Tuyên.
Một thời… vang bóng.
Trong cuốn Từ điển Tuyên Quang ghi rõ, vào thời nhà Trần thế kỷ XIII, nhiều lái buôn phương Bắc đến giao thương trên mảnh đất Tuyên Quang. Họ họp nhau lại để trao đổi hàng hóa với dân bản địa. Đến đời nhà Lê thế kỷ XVI - XVII, hoạt động giao thương ở chợ đã phát triển, nhộn nhịp hơn nhiều. Cuối thời nhà Nguyễn đến năm 1957, chợ được làm bằng tranh tre nứa lá, đặt cạnh bờ sông Lô thuộc phố Tam Kỳ. Sau phố đổi tên là phố Tam Cờ nên chợ cũng mang tên cùng phố.
Chợ có vị trí đắc địa “trên bến dưới thuyền” thuận tiện cho sự phát triển. Người trong phố Tam Cờ thường truyền tai nhau câu nói: “Đồn rằng kẻ chợ vui thay/Đi ba bốn ngày kể đã lắm công/Bên dưới có sông, bên trên có chợ/Anh lấy em về làm vợ nên chăng?/Tre già để gốc cho măng/Hay cho em khéo, bõ công bác thầy”. Câu ca ấy gợi lên vẻ đẹp và sự giỏi giang buôn bán các cô gái ở chợ Tam Cờ, xưa nay vẫn thế. Người ta đi chợ đâu phải đã là để mua hàng, đâu đã phải là chuyện lời lãi mà còn mang theo những hy vọng và khát khao tìm gặp được cô gái giỏi giang ấy. Giờ đây, bao cô gái xứ Tuyên vẫn chọn “chợ Lớn” này sinh cơ lập nghiệp.
Gọi là “chợ Lớn” bởi, ở cả tỉnh này, kể cả một số vùng lân cân cận từ xưa chưa có chợ nào to như chợ Tam Cờ. Chị Nguyễn Phương Hoa gắn bó với việc buôn bán hàng sắt ở chợ Tam Cờ từ tuổi đôi mươi, giờ con cái lớn khôn, học hành chu đáo cũng là nhờ “lộc” của chợ. Nghề buôn lắm lúc khó nhọc, “ba chìm bảy nổi”, cũng nản lắm, nhưng cứ bám chợ, bền bỉ với việc mình đã chọn, cuộc sống khấm khá dần lên. Giờ đã ở tuổi tứ tuần rồi nhưng chị Hoa vẫn còn đó nét đẹp mặn mà của cô gái Thành Tuyên, khéo léo và nết na, ai gặp một lần cũng mang đầy ấn tượng.
Chợ trông xuống sông Lô, người đi lại thường đợi nước lên để theo dòng mà xuôi ngược. Bè tre ở dưới sông cũng dựng san sát thành hàng, người buôn kẻ bán vẫn nức nở với từng tốp ca nô lớn bé theo người xuôi về chợ gom hàng đủ chuyến là đến quá trưa lại theo người về mạn dưới. Đây đó, tại mỗi góc chợ chỗ bán lụa, chỗ thì bán than gỗ, mây tre, muối mắm, hàng xén, dụng cụ nông nghiệp. Trên bờ dưới sông, hàng hóa choáng mắt say lòng. Cụ Nguyễn Thị Chản, tổ 9, phường Hưng Thành, năm nay đã ngoài 93 tuổi từng là “cư dân” bám trụ lâu nhất ở chợ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Người kẻ chợ vẫn gọi cụ là cụ Chản Bính bán bún, cụ kể, những năm đầu dựng chợ chỉ là những vách tranh tre, nứa lá. Đến sau này chợ được nâng cấp lên với 2 dãy chợ chính, hai đầu hồi được dựng lên bằng tường gạch còn lại ở giữa là những cột trụ cứng. Những dãy này được chia thành từng ô để tiểu thương tiện sắp xếp hàng hóa.
Hàng khô, hàng xén, vải lụa, quần áo được xếp ở trong, hàng tươi sống xếp bên ngoài. Khu hàng tươi sống mỗi người với một chiếc chõng tre, từng thúng từng mẹt hàng được bày cả lên đó. Bún của cụ Chản những năm đó người ta phải chờ xếp hàng dài để mua. Người xuôi vì biết tiếng làng bún quê gốc Hà Tây cũ của cụ Chản mà tìm về mua, ngợi khen tấm tắc. Chỉ với chút bún và nước mắm kết hợp cùng vài giọt giấm chua cũng thành bữa nơi chợ đông buổi sớm. Nối nghiệp mẹ, các con cụ Chản nay có 3 người bán hàng bún, hàng khô tại chợ, hai người con trai và cháu ngoại còn làm xưởng bún để cung cấp bún, phở cho các hàng ăn trên địa bàn thành phố.