Địa chỉ: đường vào Di tích danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa, Thị trấn Chí Thạnh, Huyện Tuy An, Phú Yên
Từ đầu năm 2019 đến nay, bất cứ ai khi đến với danh thắng Gành Đá Đĩa (Phú Yên) không chỉ nao lòng trước những cảnh đẹp hoang sơ, kỳ thú mà còn được trải nghiệm, được khám phá không gian Hồn Xưa độc đáo, thi vị nằm ở ngay đường dẫn vào danh thắng.
Xuất phát từ ý tưởng tạo một không gian văn hóa để có thêm điểm dừng chân cho du khách và với tâm huyết, ước muốn lưu giữ và phát huy giá trị tinh thần, văn hóa, lịch sử của vùng đất Phú Yên cho đời sau, anh Nguyễn Minh Nghiệp, một người con quê hương Tuy An (Phú Yên) đã dày công sưu tầm các hiện vật văn hóa.
Bước vào Hồn Xưa, du khách sẽ choáng ngợp và thấy được sự kỹ lưỡng, kỳ công của chủ nhân khi các vật sưu tầm được chia thành 4 chủ đề trưng bày gồm: Văn hóa đá, gốm Quảng Đức, đồ kim khí và đồ đan lá
Gốm Quảng Đức được hình thành cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, phát triển nhất vào thế kỷ 18, 19. Làng gốm Quảng Đức của Phú Yên có mặt trong danh sách 21 làng gốm nổi tiếng nhất trong cả nước. Gốm ở đây có thể nói là mang dáng dấp của độc tài vì cách chế tác với màu men của gốm làm bằng lá cây, rễ cây của vùng đất nơi đây và phối hợp với chất liệu nung đó là con sò huyết của danh thắng quốc gia Đầm Ô Loan và nung bằng cây củi bằng lằng của địa phương này. Sản phẩm gốm sau khi nung xong sẽ rất chắc, rất độc lạ…
Văn hóa đá - không chỉ làm nên vẻ đẹp mà còn tạo nên sức mạnh tinh thần rất đặc trưng của Phú Yên Từ những chiếc cối đá xưa - dụng cụ của người dân nông thôn Phú Yên một thời, dùng để xay bột làm bánh tráng hoặc làm các loại bánh từ bột gạo, bột nếp... tưởng như đã bị lãng quên lại xuất hiện ở đây với hơn 1.000 bộ được bài trí, sắp xếp như một triền núi, mục đích để tạo không gian cho du khách chụp ảnh và giới thiệu văn hóa đá của vùng đất Phú Yên, khiến du khách rất hào hứng. Và rồi với nhiều người khi dừng chân tại khu vực này, những chiếc cối đá như mang trên mính dấu ấn thời gian, cả tuổi thơ như sống lại và rồi như được tiếp thêm tinh thần để nỗ lực cho tương lai. Đặc biệt nhất, tò mò nhất là 04 bộ đàn đá được chủ nhân sưu tầm từ mấy nghìn viên đá mới có được viên ghép lại cho đủ bộ đàn với đầy đủ thanh sắc.
Đồ kim khí, đồ đan lát và khoảng hơn 200 bộ cồng chiềng lớn nhỏ…cũng gây ngỡ ngàng, tạo sự thích thú cho du khách. Ngoài ra, tại đây còn dành hẳn không gian cho loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian bài chòi đặc trưng của Trung bộ.
Có thể nói Hồn Xưa không chỉ lưu giữ giá trị tinh thần mà còn là điểm đến núi chân du khách, đến đây có cảm giác thoải mái bên những vật dụng thân thuộc, thậm chí được tự tay sờ vào, tự mình đánh đàn đá…