Tổng số: 2 kết quả
  Địa chỉ: , Xã Nà Nhạn, Thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên

“Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”. Những ca từ bất hủ ấy trong bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sỹ Hoàng Vân, đã phần nào tái hiện những gian khó của quân đội ta khi kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 66 năm trước. Giờ đây, con đường kéo pháo năm xưa, đã trở thành con đường huyền thoại.

Đèo Pha Đin, chính là điểm khởi đầu gian nan nhất của hành trình kéo pháo bằng sức người của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Bắt đầu từ đây, qua nhiều đèo, dốc, vực sâu, những khẩu pháo được kéo lên trận địa, để những viên đạn pháo rời nòng súng, hướng tới cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, Hầm De Castries…. Từ đèo Pha Đin đến Điện Biên Phủ, con đường kéo pháo không thể tính chiều dài vật lý mà được tính bằng những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, được tính bằng mồ hôi và máu.

Trên tuyến đường kéo pháo ấy, có một quãng đường đặc biệt, hoàn thành chỉ trong 20 giờ, với chiều dài 15km, chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, Bản Nghịu, nay thuộc xã Nà Nhạn. Trên đoạn đường ấy, bộ đội ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn hoàn toàn bằng sức người, vượt qua dốc núi cheo leo, đèo cao hiểm trở. Chính trên cung đường ấy, anh hùngTô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn bánh pháo, để khẩu pháo không bị lăn xuống vực sâu.

Vượt qua bao khó khăn, gian khổ không kể xiết, để rồi hàng trăm khẩu pháp và súng cối đã vào trận địa. Và, trong ngày 13/3/1954 đã đồng loạt nã đạn vào Trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn trận Điện Biên Phủ. 

Con đường kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, nay đã trở thành con đường huyền thoại. Và đây là cụm tượng đài kéo pháo bằng tay nặng 1.200 tấn, vinh danh trung đội pháo binh của anh hùng Tô Vĩnh Diện trên triền đồi Bó Hôm năm nào.