Tin tức - Sự kiện

Phải nhìn nhận đóng góp của du lịch ở nhiều góc độ

Cập nhật: 19/05/2020 08:56:48
“Nghị quyết 08-NQ/TW đã tạo cho các địa phương, doanh nghiệp động lực, niềm tin để phát huy nội lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

 

Chúng ta hiểu được đây là định hướng quan trọng để hành động và hành động với phương cách được hỗ trợ, thúc đẩy và ưu tiên phát triển. Sự khởi sắc của du lịch thời gian qua với sự đóng góp rất lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, thúc đẩy du lịch không thể theo kiểu “ăn xổi” mà đòi hỏi sự trường kỳ, dài hơi và cần sự chung tay của từng người dân cho đến toàn xã hội. Bởi vậy, rất cần tháo gỡ những nút thắt, rào cản để du lịch thực sự bứt phá…” – PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ với PV Tạp chí Du lịch.

PGS.TS Trần Đình Thiên

*Với sự nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, thời gian qua du lịch đã có những khởi sắc đáng kể, theo nhận định của ông, chuyển biến đáng ghi nhận nhất trong lĩnh vực này là gì?

Có thể đánh giá thế này, một số vấn đề cần triển khai trong Nghị quyết 08 chưa được định hình rõ nét, nhưng Nghị quyết đã tạo ra động lực, niềm tin cho các địa phương, doanh nghiệp. Đây là yếu tố rất quan trọng, chúng ta hiểu được rằng Nghị quyết 08 là định hướng để hành động, và hành động với phương cách được hỗ trợ, thúc đẩy và ưu tiên phát triển. Gần đây các diễn đàn, tọa đàm về du lịch được tổ chức khá nhiều, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, rồi truyền thông về du lịch cũng rất khác, đậm hơn, rõ nét hơn cho thấy nhận thức về du lịch có sự thay đổi đáng kể.

Một hiện thực là các chỉ số tăng trưởng của du lịch, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lưu trú có bước phát triển mạnh. Chúng ta thấy rõ những tọa độ du lịch lớn như Phú Quốc, Đà Nẵng, Vân Đồn, Nha Trang… có sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Với cơ chế ngày càng mở, cho phép doanh nghiệp tư nhân làm sân bay, rồi doanh nghiệp du lịch có thể tham gia vận tải hàng không…, đây là những điểm có thể tạo ra sức thúc đẩy rất đáng kể, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với phát triển du lịch.

Tất nhiên làm du lịch là một công việc rất trường kỳ, dài hơi và thực sự khó bởi vì cần sự chung tay của từng người dân đến cả xã hội, chứ không phải chỉ là việc riêng của ngành Du lịch.

*Thưa ông, kết quả của du lịch không phải chỉ ở mức độ đóng góp vào nền kinh tế, mà còn ở rất nhiều khía cạnh khác rất khó cân đo, đong đếm. Dưới góc độ chuyên gia, ông có thể phân tích những “giá trị vô hình” mà du lịch đóng góp cho xã hội?

Điều này rất đúng. Hiệu quả kinh tế mà du lịch mang lại là rất rõ và chúng ta không cần bàn thêm nữa. Tôi cho rằng rất khó để tính toán công sức của du lịch. Phải nhìn nhận sự đóng góp của du lịch ở nhiều góc độ. Chẳng hạn, nhờ có du lịch (tất nhiên có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, nhưng du lịch là chủ đạo) thì văn hóa thành nguồn lực phát triển. Đây là đặc điểm rất quan trọng, văn hóa như một tài sản để du khách khám phá, trải nghiệm, tận hưởng, cái này là hiệu ứng trực tiếp. Trên nền tảng đó, chúng ta bắt đầu quan tâm đến văn hóa tâm linh, đình chùa được tu bổ, phong tục tập quán được khôi phục, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy…, như vậy có nghĩa là du lịch tác động đặc biệt đến văn hóa. Ở chiều ngược lại văn hóa cũng bổ trợ cho du lịch.

Chúng ta thấy gần đây có nhiều ý kiến, nhiều cuộc thảo luận về xây dựng các công trình tâm linh ở một số địa phương. Tôi cho rằng không nên nhìn ở phạm vi hẹp mà cần nhìn rộng hơn, việc nêu ra những vấn đề như thế bắt nguồn từ du lịch, từ lợi ích mà du lịch mang lại. Có thể coi đây là những tài sản văn hóa mới xuất hiện bên cạnh việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, có thể chứa đựng những tiềm năng tạo ra thương hiệu, chứ không nên quá khe khắt như một số ý kiến phản biện thời gian qua. Tất nhiên phải có sự giám sát, nếu buông lỏng sẽ làm lệch lạc ý nghĩa, bản chất của văn hóa, tâm linh…

*Sự khởi sắc của du lịch thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp, góp phần tạo ra diện mạo du lịch mới, ông đánh giá thế nào về điều này?

Chỉ so sánh đơn giản thế này thôi, trước đây chúng ta nói đến du lịch là đi nghỉ mát, tham quan thắng cảnh; lưu trú chủ yếu là các nhà nghỉ, nhà khách của nhà nước… thì bây giờ hoàn toàn khác hẳn, do sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn kinh tế. Tư nhân tham gia càng đông vào du lịch thì hạ tầng càng đổi mới, khởi sắc. Điều này cực kỳ rõ, chúng ta thấy diện mạo của những trọng điểm du lịch đều được định hình bởi các tập đoàn lớn. Trên nền tảng khung mà các tập đoàn xác lập đã kéo theo nhiều doanh nghiệp tư nhân như nhà hàng ăn uống, giải khát, khu vui chơi giải trí, khách sạn ở tầm trung, rồi vận chuyển, dịch vụ…

Các tập đoàn, doanh nghiệp không chỉ đầu tư khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort mà còn làm hệ thống cáp treo đẳng cấp, safary land… và gần đây còn đột phá hơn với phát triển vận tải hàng không của FLC, Vietravel hướng tới mục tiêu đột phá mạnh mẽ về du lịch. Rõ ràng là “biên” được mở rộng ra, diện mạo của Du lịch Việt Nam ở tầm khác, ở đẳng cấp khác là rất rõ. Tới đây còn có du thuyền, bến du thuyền cao cấp, rồi trực thăng du lịch… Những tài nguyên du lịch hạng nhất đi liền với những tập đoàn lớn hình thành nên đẳng cấp cao. Sự tương hỗ này rất quan trọng để hình thành thương hiệu, đẳng cấp của Du lịch Việt Nam. Tôi cho rằng, đây chính là những nhân tố quan trọng hiện thực hóa Nghị quyết 08. Họ rất đáng được tôn vinh, ghi nhận ở tiềm lực, tầm nhìn phát triển. Như tôi đã nói ở trên, nếu chúng ta đã tới Bái Đính hay Tam Chúc thì thấy thực sự quy mô, ấn tượng. Điều đáng ghi nhận là ý nghĩa nhiều mặt, và đó là nỗ lực rất lớn của tập đoàn, doanh nghiệp, chứ không thể nhìn nhận vấn đề theo một chiều hướng, sẽ không khách quan, không có sự chia sẻ.

Du khách quốc tế trải nghiệm tại Việt Nam. Ảnh: Đào Minh Xuyên

*Theo ông đâu là điểm nghẽn lớn nhất đối với sự phát triển của du lịch hiện nay?

Chúng ta đã nỗ lực để thúc đẩy du lịch phát triển thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 08, mặc dù đã có những kết quả nhưng những rào cản hiện vẫn còn nhiều. Thứ nhất là vấn đề chính sách. Tôi ủng hộ nên rộng cửa hơn về visa, hiện nay chúng ta quá hẹp. Nhưng để đánh giá chính xác cần phải thấy rõ một điều thế này, Việt Nam là một đất nước mở cửa về mặt kinh tế rất nhanh, nhưng ta mở về mặt lượng nhiều quá, nên nhiều khi chất lượng chưa thực sự đạt như mong muốn. Tôi mở rộng phạm vi ra một chút, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là rất quan trọng, mở cửa thu hút đầu tư là chào đón thương gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách quốc tế đến tìm hiểu tiềm năng, cơ hội đầu tư.

Tôi ví dụ thế này, người Việt Nam ra nước ngoài họ có thích không? Chắc chắn là thích. Nếu nhìn nhận như vậy thì việc các nước tạo thông thoáng về mặt visa để chúng ta được mở rộng nhãn quan tiếp cận với bên ngoài là cực quan trọng. Nếu vậy tại sao ta không mở như nước ngoài? Căn nguyên của vấn đề là ở chỗ, cách tiếp cận về mở cửa của Việt Nam phải đi liền với quản lý quá trình mở cửa và hội nhập để bảo đảm chất lượng.

Chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng visa chứ không nên quá hẹp. “Hẹp” ở đây có thể là sự thận trọng, sự cân nhắc. Chỗ này cần phải mổ xẻ một cách nghiêm túc, mở thì lợi ích như thế nào, mối nguy hại ra sao? Cần sự phối hợp giữa nhiều bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan… đặt mục tiêu cao nhất của việc mở cửa visa là cái gì. Là hình ảnh Việt Nam, là thu hút khách, thu hút đầu tư. Chúng ta muốn thu hút khách, nhưng quản lý thế nào, lợi ích ra sao để cho tốt, chất lượng. Tôi gọi là “bộ lọc” phải tốt. Trong thu hút FDI cũng vậy, nếu “bộ lọc” không tốt là chất lượng kém, kéo theo rất nhiều vấn đề khác. Mấu chốt là quản lý việc mở cửa.

Khái niệm chính sách không chỉ có visa mà còn rất nhiều thứ khác. Tôi cho rằng cần thiết có sự phản biện khoa học, có cách nhìn tích cực thì sẽ tháo gỡ được. Hiện nay chúng ta bàn nhiều nhưng triển khai chậm, do cách tiếp cận vấn đề về mặt thực chất còn phiến diện.

Thứ hai là hạ tầng. Câu chuyện hạ tầng thì có rất nhiều chuyện phải bàn. Tôi cho rằng có hạ tầng cứng (bao gồm đường xá cơ sở vật chất kỹ thuật…) và hạ tầng mềm (thể chế, công nghệ thông tin…).

Hiện nay hạ tầng cứng của ta đang quá tải, sân bay vượt công suất thiết kế nhiều lần là vấn đề đau đầu nhất. Do không hướng đến mục tiêu rõ ràng, do các thủ tục rườm rà nên các giải pháp xử lý triển khai rất chậm chạp. Nếu đặt mục tiêu sân bay Long Thành là sân bay trung chuyển quốc tế thì thời gian nào sẽ hoạt động, nếu chậm thì thiệt hại như thế nào, cạnh tranh ra sao, mà thiệt hại này ai là người phải chịu trách nhiệm… thì mới có thể sớm triển khai được. Hiện tại sân bay nhếch nhác, chậm chuyến, trễ chuyến thì khách ngại đến, giao thông ách tắc cũng vậy…

Đối với hạ tầng mềm, tôi chỉ nêu thế này, nhiều người lái xe taxi chở khách nước ngoài hay viện lý do không có tiền lẻ để trả lại cho khách, cái này thực tế có thể đúng, nhưng nếu lặp đi lặp lại thì rõ ràng là không ổn, sớm hay muộn du khách sẽ thấy ngay được mánh khóe này. Từ những cái nhỏ như những tàn thuốc thôi cũng có thể gây cháy cả một khu rừng, nên cần lưu ý cả những thứ tưởng chừng như rất nhỏ… Đây là trách nhiệm của ai? của du lịch, của giao thông, của doanh nghiệp vận chuyển…

Hạ tầng cứng có thể được cải thiện, nhưng dù có tốt đến mấy trong khi hạ tầng mềm kém thì cũng không ổn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì vẫn chỉ là sự manh mún, khó đột phá.

*Xin cảm ơn PGS.TS Trần Đình Thiên!

Viễn Nguyệt (thực hiện)

 

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục