Tin tức - Sự kiện

Khách sạn Việt Nam đón đầu xu thế công nghệ

Cập nhật: 01/06/2018 09:50:19
Theo bà Lê Mai Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trước mắt đang gây áp lực cho hệ thống khách sạn Việt Nam.  

Hoankiem360.vn, địa chỉ mới giúp du khách hình dung sống động về các điểm đến của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Các khách sạn phải làm sao thu thập thông tin nhanh nhất, tương tác, tiếp cận với khách hàng nhiều nhất, số hóa dữ liệu… Trong cuộc chạy đua thị phần đó, các khách sạn 4, 5 sao đang từng bước đưa công nghệ vào các dịch vụ khách hàng, nhưng với khách sạn ít sao hơn, câu chuyện lại không đơn giản.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây và dự kiến còn tăng mạnh trong thời gian tới. Yêu cầu về chất lượng dịch vụ khách sạn cũng càng ngày càng cao, không chỉ với du khách quốc tế mà cả với khách hàng nội địa. Vì thế, việc liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ buồng phòng tại các khách sạn giữ vai trò quan trọng, nó không chỉ thể hiện đẳng cấp, thương hiệu và hiệu quả hoạt động, kinh doanh của mỗi khách sạn mà còn tạo nên lợi thế và sự cạnh tranh cho việc phát triển du lịch ở các vùng miền và cho cả quốc gia.

PGS, TS Phạm Trung Lương, Phó chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam cho rằng, công nghệ làm thay đổi ngành du lịch. Phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch không còn theo hình thức cũ; khách du lịch cũng có những hình dung về điểm đến cụ thể, sống động hơn nhờ công nghệ, họ có thể tự thiết kế tour, tự vận hành phương tiện di chuyển; điểm đến với thuyết minh viên có hỗ trợ công nghệ cùng hệ thống cảnh báo công nghệ cũng hoàn toàn thay đổi so với những phương thức trước đây; rồi phương thức giao tiếp với khách du lịch, hỗ trợ mang hành lý cho khách… cũng mang lại sự khác biệt. Riêng với lĩnh vực buồng phòng, các ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý hiện đại khiến cho khách sạn sử dụng những nguồn năng lượng mới, các hệ thống thông minh giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, cảm biến tự động điều chỉnh nhiệt độ phòng...

Như vậy, rõ ràng nếu biết tận dụng thời cơ, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung, dịch vụ buồng phòng tại khách sạn nói riêng, công nghệ sẽ là đòn bẩy hỗ trợ tích cực. Hệ thống khách sạn thấp sao ở Việt Nam chưa đủ cả nhân lực, vật lực để đầu tư cho công nghệ. Cho rằng “đi tắt đón đầu” là xu hướng không thể thay đổi, ông Nguyễn Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý buồng phòng Việt Nam nêu ý kiến: Trước sự phát triển của công nghệ với sự thay đổi nhanh chóng, những người làm du lịch, trong đó có các nhà quản lý khách sạn, nhà quản lý buồng phòng ngay từ bây giờ phải cập nhật thành tựu mới về khoa học kỹ thuật, ứng dụng thành thạo vào lĩnh vực của mình để công việc đạt nhiều hiệu quả, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tối đa của du khách. 

Ngoài ra, theo bà Lê Mai Khanh, các khách sạn của Việt Nam có thể liên kết để tạo nên sức mạnh. Họ cần sự liên kết chặt chẽ về công nghệ với nhau, với các đối tác trong và ngoài nước để  tiếp cận gần nhất với các nhu cầu phong phú của khách hàng. Quan trọng không kém là sự chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực. Máy móc, công nghệ hiện đại sẽ thay con người ở nhiều vị trí, nhưng ngược lại con người để điều khiển, vận hành máy móc công nghệ lại là yếu tố không gì có thể thay thế. Những bộ phận tiếp xúc với khách hàng là bộ mặt nơi du khách đến, cần có thái độ phục vụ để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

 

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục